
02/10/2024 - 07:09
MORNING NOTE 02/10/2024 – Khối ngoại mua ròng mạnh khi đối mặt 1,300 điểm – PMI tháng 09
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Giá dầu Brent tăng sau khi Iran bắn tên lửa vào Israel
- Giá dầu Brent tương lai đã tăng lên mức trên 73.5 USD/thùng vào thứ Ba sau khi Iran phóng một loạt tên lửa vào Israel, làm gia tăng lo ngại về xung đột khu vực rộng lớn hơn ở Trung Đông. IDF đã chặn được một số lượng lớn tên lửa và khẳng định không có mối đe dọa tức thì từ trên không. Căng thẳng tại Trung Đông đang leo thang nhanh chóng khi Israel tăng cường các cuộc không kích vào Hezbollah và tiêu diệt lãnh đạo của nhóm này, Hassan Nasrallah. Vào thứ Ba, Israel đã điều động lực lượng mặt đất vào miền nam Lebanon. Mức độ phản ứng của thị trường dầu sẽ phụ thuộc vào phạm vi và thiệt hại của bất kỳ cuộc tấn công nào từ Iran, điều có thể quyết định phản ứng của Israel và tiếp tục gây mất ổn định khu vực. Ở một diễn biến khác, Libya đang chuẩn bị khởi động lại sản xuất dầu sau khi giải quyết các xung đột nội bộ.
- Đồ thị giá dầu Brent tăng 2.6% trong ngày giao dịch 01/10/2024, hồi phục mạnh sau khi chạm vùng 70. Khả năng giá dầu sẽ tiếp tục tăng và kiểm định lại vùng kháng cự quanh 76. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn vẫn đang duy trì ở mức TĂNG.
Phố Wall giảm mạnh khi căng thẳng Trung Đông leo thang
- Phố Wall đóng cửa giảm điểm vào thứ Ba khi nhà đầu tư phản ứng trước cuộc tấn công tên lửa trả đũa của Iran nhằm vào Israel và hàng loạt dữ liệu kinh tế mới. Chỉ số S&P 500 giảm 0.9%, Nasdaq giảm 1.5% và Dow Jones mất 173 điểm. Iran đã phóng một loạt tên lửa vào Israel để đáp trả cuộc xâm lược của Israel vào miền nam Lebanon, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Về tin tức kinh tế, số lượng việc làm trống trong tháng 8 bất ngờ tăng lên 8.04 triệu so với 7.71 triệu trong tháng 7, cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng chưa đủ nhanh. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục trì trệ trong tháng 9, với chỉ số PMI sản xuất của ISM giữ nguyên ở mức 47.2, cho thấy sự co hẹp kéo dài. Cổ phiếu quốc phòng được hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị, bao gồm Northrop Grumman (tăng 3%) và Lockheed Martin (tăng 3.6%).
- Đồ thị giá của chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm mạnh 53 điểm trong ngày giao dịch 01/10/2024. Khả năng chỉ số S&P 500 sẽ tiếp tục giảm và kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh 5,668. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của cả ba chỉ số vẫn đang duy trì ở mức TĂNG.
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Khối ngoại mua ròng 472 tỷ, nhóm Công nghệ thông tin được mua ròng mạnh
Tự doanh mua ròng 2 tỷ
Chỉ số YS30 – Vượt kháng cự bất thành
- Chỉ số YS30 đóng cửa ở mức 110.33 điểm (+0.4%) với khối lượng giao dịch tăng 43% so với phiên giao dịch trước đó và đồ thị giá vượt bất thành mức kháng cự 111.11 điểm. Đồng thời đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên đà tăng có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên giao dịch tới và nhịp điều chỉnh cũng có thể nhanh chóng kết thúc trong phiên, chúng tôi kỳ vọng đồ thị giá vẫn có khả năng sớm vượt mức kháng cự 111.11 điểm trong những phiên giao dịch tới.
- Xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục mua và nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
- Hệ thống xu hướng ngắn hạn xuất hiện tín hiệu MUA cổ phiếu: BSI.
PMI tháng 9 tạm thời chững lại do bão Yagi và lũ lụt
- S&P Global công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9/2024 của Việt Nam đạt 47.3 điểm, giảm xuống dưới 50 và so với mức 52.4 điểm của tháng 8 cho thấy tình hình ngành sản xuất bị gián đoạn do bão Yagi và lũ lụt ở miền Bắc.
- Đơn hàng và sản lượng đều giảm: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm do tác động của bão Yagi và lũ lụt lớn ở miền Bắc, tạm dừng quá trình tăng trưởng kéo dài 5 tháng liên tục. Mức suy giảm tháng này là đáng kể nhất kể từ tháng 1/2023. Điểm tích cực số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm nhẹ hơn số đơn hàng trong nước do nhu cầu quốc tế đã hồi phục tương đối tốt. Sự gián đoạn của dây chuyền sản xuất và việc đóng cửa hoạt động kinh doanh do bão khiến lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng mạnh nhất 2 năm rưỡi. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn tin tưởng tình hình sẽ hồi phục sớm nên vẫn tăng nhẹ số lượng nhân sự trong tháng 9.
- Áp lực tăng chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ: Chi phí đầu vào tiếp tục tăng tháng thứ 6 liên tiếp nhưng tốc độ chỉ tương đối khiêm tốn. Thời gian giao hàng kéo dài đáng kể hơn do lũ lụt. Giá bán đã cải thiện hơn khi một số công ty vẫn tăng nhẹ giá bán nhưng những công ty khác đã tranh thủ giảm giá bán cho khách hàng.
- Tình hình sản xuất tháng 9 đã tạm thời gián đoạn, đứt chuỗi hồi phục 5 tháng liên tiếp, do ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt ở miền Bắc. Điểm tích cực là số đơn hàng xuất khẩu chỉ giảm nhẹ nhờ nhu cầu quốc tế hồi phục. Chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm giá bán cho khách hàng. Một điểm cần chú ý khác là mặc dù bị ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng các công ty vẫn lạc quan về triển vọng năm tới và đã tăng việc làm ngay cả khi khối lượng công việc giảm. Cộng với việc Fed đã giảm 0.5% lãi suất và kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm 0.25% trong Q4, chúng tôi kỳ vọng ngành sản xuất sẽ sớm quay lại đà hồi phục trong những tháng tới.
Xem báo cáo chi tiết tại: Morning Note_241002