Dòng tiền kiên quyết ‘đứng ngoài’, cơ hội nào cho nhà đầu tư chứng khoán? | Yuanta Việt Nam
Flower
Trang chủNewsTin Nhà Đầu TưDòng tiền kiên quyết ‘đứng ngoài’, cơ hội nào cho nhà đầu tư chứng khoán?

06/11/2024 - 15:13

Dòng tiền kiên quyết ‘đứng ngoài’, cơ hội nào cho nhà đầu tư chứng khoán?

Thanh khoản sụt mạnh ngay cả trong những phiên thị trường giảm sâu cho thấy dòng tiền vẫn kiên quyết đứng ngoài khi chưa có tín hiệu tạo đáy rõ ràng; khả năng cao kịch bản chỉ số test lại vùng đáy 1.200 điểm sẽ diễn ra trong quý IV…

Sau khi liên tục “thất bại” trước mốc 1.300 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã rơi vào trạng thái “sideway down” với những phiên hồi phục với biên độ nhỏ, sau đó nhịp điều chỉnh sâu hơn xuất hiện xoá sạch đà tăng của chỉ số.

Thanh khoản thị trường gần như “mất hút” khi giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ duy trì loanh quanh 10.000 -12.000 tỷ đồng trong nhiều phiên gần đây. Việc thanh khoản sụt mạnh ngay cả trong những phiên thị trường giảm sâu cho thấy dòng tiền vẫn kiên quyết đứng ngoài khi chưa có tín hiệu tạo đáy rõ ràng.

Tiền “thờ ơ” với bảng điện

Theo Chứng khoán MB (MBS), thanh khoản bình quân toàn thị trường hiện xuống mức thấp nhất 7 tuần, chỉ còn khoảng 16.380 tỷ đồng. Nếu loại giao dịch thỏa thuận, giá trị giao dịch chỉ còn khoảng 12.381 tỷ đồng. VN-Index đánh mất xu hướng tăng kể từ đầu tháng 8 ở khu vực 1.280 điểm và vẫn tiếp tục dò đáy trong nhiều tuần qua.

-8707-1730798047.png

Nếu loại giao dịch thỏa thuận, giá trị giao dịch chỉ còn khoảng 12.381 tỷ đồng/phiên.

Thị trường vận động theo xu hướng sideway down khiến nhà đầu tư giao dịch rất khó chịu. Nhiều nhà đầu tư cho biết diễn biến của thị trường và giá cổ phiếu không chỉ gây thất vọng mà còn khiến họ thua lỗ nặng.

Chị Ánh Ngọc (Hà Nam) đang nắm giữ nhóm “cổ đất” chia sẻ, mặc dù kết quả kinh doanh quý III/2024 của các doanh nghiệp mà chị đang đầu tư tích cực, nhưng giá cổ phiếu vẫn không ngừng “rơi”.

“Cổ phiếu bất động sản biến động với biên độ hẹp trong suốt 8 tháng qua, trong khi nhóm cổ phiếu xây dựng không ngừng giảm khiến tài khoản ngày càng âm nặng. Thời gian đầu, tôi còn mua để trung bình giá nhưng khoảng một tháng nay đành tắt app, ngừng giao dịch”, chị Ngọc cho biết.

Nhiều nhà đầu tư nắm giữ dòng cổ phiếu khác như chứng khoán, thép, dầu khí… cũng rơi vào tình cảnh tương tự “càng mua càng lỗ” và chấp nhận ngừng xem bảng điện.

Về dòng tiền trong thời gian tới, giới phân tích nhận định là khá yếu ớt khi bị “chia” cho các kênh đầu tư khác được cho tích cực hơn, như bất động sản và vàng. Đó là với nhà đầu tư cá nhân, còn với tổ chức, áp lực nợ trái phiếu và sức cầu trên thị trường yếu tiếp tục là “quả bom lơ lửng” trong những tháng cuối năm.

Mặt khác, P/E của VN-Index hiện nay đang ở mức 14 lần, mức trung bình trong 10 – 15 năm qua, chứ không còn rẻ.

Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng thị trường trong ngắn hạn không chịu ảnh hưởng của yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp, mà bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, trong đó có tỷ giá. Dữ liệu cho thấy tỷ giá tăng thì chỉ số chứng khoán đi xuống. Hiện, DXY ở 104 điểm thì VN-Index ở đáy 1.240 điểm. Nếu tỷ giá tăng tiếp, có thể phải chuẩn bị cho kịch bản chỉ số test lại vùng đáy 1.200 điểm trong quý IV.

Lọc cơ hội đầu tư

Tuy vậy, thị trường vẫn có một số tín hiệu tích cực, đó là bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2024 cải thiện đáng kể với doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 8,7% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,7%, vượt trội so với mức tăng trưởng của 2 quý đầu năm (số liệu chốt đến ngày 1/11/2024 với 1.058 doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý III/2024, chiếm 97,5% vốn hóa toàn thị trường).

Bức tranh kết quả kinh doanh tươi sáng đã phần nào cải thiện định giá thị trường và hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư. Đồng thời, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa sau của quý IV khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành và nguồn cung ngoại tệ tăng lên dịp cuối năm nhờ dòng vốn FDI và kiều hối tích cực.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nhìn vào lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra thời gian qua, nhà đầu tư có thể kỳ vọng doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch trả cổ tức 2024 khá tốt vào năm 2025. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng tại kỳ họp ĐHĐCĐ đã thông qua những chính sách trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

“Thói quen của nhà đầu tư Việt Nam vẫn tìm kiếm các kênh truyền thống như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm. Do đó, khi có một tín hiệu thu hút thì dòng tiền ngay lập tức đổ vào trở lại các kênh này. Tôi cho rằng sau những đợt FOMO như vậy, dòng tiền sẽ tìm đến chứng khoán”, ông Minh nêu.

Trong ngắn hạn, chuyên gia YSVN lưu ý việc trading sẽ khiến danh mục của nhà đầu tư dễ bị bào mòn. Vì vậy, khi thị trường vẫn đi ngang dưới 1.300 điểm, chiến lược nên là nắm giữ, ưu tiên các cổ phiếu tăng trưởng. Những nhịp giảm sâu của thị trường là thời điểm canh mua vào.

“Những nhà đầu tư nắm giữ từ đầu năm đang cho hiệu suất khả quan hơn nhiều so với trading ngắn hạn. Do đó, hiện tại nhà đầu tư nên hạn chế việc trading và sử dụng đòn bẩy tài chính cao”, ông Minh nhấn mạnh.

Còn ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Môi giới Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nhiều khả năng diễn biến thị trường 2 tháng cuối năm tương đồng với vài tháng trước, đa số cổ phiếu đi ngang cùng thanh khoản thấp, tạo tâm lý nhà đầu tư rất “chán”. Giai đoạn hiện tại, việc trading thì lời lỗ không đáng kể.

“Thị trường không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Mỗi giai đoạn, nhà đầu tư cần có chiến lược phù hợp. Hiện tại, nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp có những thông tin hỗ trợ. Đơn cử, một số doanh nghiệp nhà nước hàng đầu đã và đang được hỗ trợ cho hoạt động hiệu quả hơn”, ông Hùng khuyến nghị.

Để lọc cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán giai đoạn này, dưới góc nhìn của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank (VPBankS), xét kết quả kinh doanh quý III cũng như triển vọng quý IV/2024, nhóm cổ phiếu có dư địa tăng trong 2 tháng cuối năm là những doanh nghiệp đầu ngành thuộc những nhóm ngành được dự báo có dư địa tăng trưởng cao trong quý IV/2024 và năm 2025 như ngân hàng, bán lẻ, hàng gia dụng, bất động sản công nghiệp.

Theo chuyên gia VPBankS, kinh tế phục hồi tích cực sẽ giúp các ngân hàng gia tăng biên lợi nhuận, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng. Một số mã cổ phiếu đáng quan tâm là TCB, VPB, STB…

Mức độ lạc quan của người tiêu dùng trong thời gian gần đây và kỳ vọng kinh tế tiếp tục tăng trưởng sẽ là yếu tố thúc đẩy nhóm bán lẻ. Kết quả kinh doanh quý III khả quan của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cho thấy điều đó.

Dòng vốn FDI mạnh mẽ là điểm sáng với nhóm bất động sản công nghiệp, trong đó nổi bật là các mã IDC, BCM, LHG.

Hải Giang

Nguồn: https://vnbusiness.vn/goc-nhin/dong-tien-kien-quyet-dung-ngoai-co-hoi-nao-cho-nha-dau-tu-chung-khoan-1103465.html