29/10/2024 - 14:19
Bức tranh lợi nhuận phân hóa của doanh nghiệp thép
Mùa BCTC quý III/2024 cho thấy sự phân hóa của nhiều doanh nghiệp thép. Trong khi một số tên tuổi như Hòa Phát, Thép Tấm lá Thống Nhất tiếp tục ghi nhận lợi nhuận phục hồi, thì không ít công ty vẫn chìm trong thua lỗ.
Chốt phiên giao dịch 28/10, cổ phiếu của các doanh nghiệp thép giao dịch khá tích cực khi hầu hết các mã đóng cửa tăng điểm. Theo đó, mã HPG tăng 1,1% đạt 26.750 đồng/CP; 2 mã HSG và NKG cũng gây ấn tượng khi tăng lần lượt 2,2% và 1,2%.
Một số mã thép vốn hóa nhỏ và vừa cũng tăng tốt như TLH (+1,6%), VGS (+1,5%), hay đáng chú ý là SMC đóng cửa tăng hết biên độ đạt 7.350 đồng/CP.
Cổ phiếu nhóm thép diễn biến tích cực trong bối cảnh Bộ Công Thương ngày 24/10 đã ban hành kết quả rà soát cuối kỳ về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng và được sơn, có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo nội dung, Cơ quan điều tra xác định có khả năng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra sẽ tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nếu chấm dứt biện pháp CBPG.
Do đó, Bộ Công Thương quyết định gia hạn áp mức thuế từ 2,56% đến 34,27% thêm 5 năm (đến tháng 10/2029) đối với 24 công ty xuất, nhập khẩu tại 2 quốc gia trên, cùng nhiều công ty liên quan. Trường hợp người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sẽ áp dụng mức thuế CBPG là 34,27%.
Một yếu tố khác hỗ trợ nhóm thép đến từ gam màu sáng của KQKD trong quý III/2024.
Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) báo doanh thu quý III/2024 đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Các mảng kinh doanh khác Hòa Phát đều tăng tốt với nhóm thép tăng 42%, nhóm nông nghiệp tăng 80%…
Trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng Tập đoàn đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, sau khi về đáy trong giai đoạn quý III – quý IV/2022, lợi nhuận của Tập đoàn đã liên tục hồi phục từ quý I/2023 đến quý III/2024.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu Hòa Phát đạt hơn 105 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và thực hiện 92% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bên cạnh Hòa Phát, một doanh nghiệp thép khác là CTCP Thép Tấm lá Thống Nhất (UPCOM: TNS) cũng báo lãi quý III/2024 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần TNS quý III/2024 đạt 593 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ các chi phí và giá vốn, lãi ròng TNS đạt gần 11 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TNS mang về tổng doanh thu 2.318 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 26 tỷ đồng, trong khi quý III/2023 chỉ đạt hơn 120 triệu đồng. Đồng thời, công ty đã vượt gấp 26 lần so với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.
TNS cho biết KQKD lợi nhuận tích cực nhờ việc công ty đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng cũng như nguồn hàng có giá cả hợp lý. Do vậy, sản lượng sản xuất tăng 54% và tiêu thụ tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng là yếu tố chính giúp lợi nhuận của công ty tăng.
Dù vậy, dữ liệu cho thấy nhiều công ty thép báo lỗ ròng quý III/2024. Theo đó, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO: TIS) trong kỳ ghi nhận khoản lỗ ròng gần 79 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 194 tỷ đồng. TIS cho biết nguyên nhân là do thị trường thép gặp nhiều khó khăn, giá bán tiếp tục giảm sâu trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào không giảm đáng kể, dẫn đến lỗ gộp trung bình 18.253 đồng/tấn, chưa bao gồm chi phí tiêu thụ. Khoản lỗ này tiếp tục bào mòn lợi nhuận chưa phân phối của TISCO, chỉ còn lại hơn 15 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2024.
Trong khi đó, CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (UPCOM: TDS) báo doanh thu thuần đạt hơn 385 tỷ đồng trong quý III, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn mức tăng doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm 63% so với quý III/2023 xuống còn vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Thép Thủ Đức báo lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 500 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thép Thủ Đức ghi nhận 1.068 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn bán hàng cao và các chi phí tăng nên Thép Thủ Đức lỗ sau thuế 9,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng báo lỗ ròng trên BCTC quý III/2024 là CTCP Thép Nhà Bè – VNSTEEL (UPCOM: TNB), với con số âm 5,9 tỷ đồng riêng quý III/2024 và lỗ hơn 4,8 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2024.
Tương tự, CTCP Thép VICASA – VNSTEEL (HoSE: VCA) cũng báo lỗ 3,3 tỷ đồng quý III/2024 và lỗ 1,5 tỷ đồng 9 tháng năm 2024. Hay, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) quý III/2024 báo lỗ hơn 82,1 tỷ đồng.
Triển vọng doanh nghiệp thép
Bên cạnh thông tin Bộ Công thương chống bán phá giá đề cập đầu bài viết, nhóm cổ phiếu thép cũng nhận nhiều thông tin hỗ trợ tích cực. Nổi bật là thông tin Bộ Chính trị hôm 18/9 vừa qua đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h.
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuata Việt Nam) đưa ra ước tính tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 29.1 tỷ USD (giai đoạn 1). Theo đó, chỉ riêng giai đoạn 1, các ngành hưởng lợi là khá lớn với khối lượng công việc liên quan như: sắt thép, vật liệu xây dựng khác, nhà thầu xây dựng, xây dựng điện thiết bị điện, ngân hàng cho vay…
Trong đó, sắt thép là nhóm hưởng lợi nhất, Hưởng lợi rõ nhất vì Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng sắt thép trong nước. Sắt thép cũng là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất cho dự án. Yuanta Việt Nam khuyến nghị ưu tiên HPG nhờ lợi thế thép HRC và Dung Quất 2 giúp mở rộng năng lực sản xuất.
Về phần mình, Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận giá thép trong nước có nhiều triển vọng phục hồi nhờ áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường bất động sản. Những nỗ lực này có thể khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế về thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong quý IV/2024, các doanh nghiệp thép nội địa cũng sẽ trông đợi vào khả năng giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá kỳ vọng được ban hành vào tháng 12/2024.
Trong năm 2025, MBS kỳ vọng thép xây dựng và HRC có thể tăng lần lượt 7% và 6% so với cùng kỳ, đạt mức 611 USD và 590 USD/tấn. Trong năm 2025 – 2026, thép xây dựng có thể tăng 7% và 8% đạt mức 608 USD và 657 USD/tấn.
Triêng năm 2024, MBS dự báo HPG sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 2.257 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện lên khoảng 11% và chi phí tài chính giảm 7%. Đối với các doanh nghiệp tôn mạ, lãi ròng của NKG dự kiến tăng 270% so với cùng kỳ nhờ biên gộp cải thiện lên mức lên mức 7% (từ khoảng 2,5% của năm 2023) trong khi HSG giảm 78% so với cùng kỳ do nền cao trong quý III/2023.
Nguồn: https://nhadautu.vn/buc-tranh-loi-nhuan-phan-hoa-cua-doanh-nghiep-thep-d90181.html