Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? | Yuanta Việt Nam
Flower
Trang chủNewsBáo chí & Truyền thôngGiải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật?

15/08/2018 - 10:05

Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích công ty Chứng khoán Yuanta là một chuyên gia tài chính, đồng thời cũng là một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm về tiền số. Cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Nguyễn Thế Minh về chủ đề tiền số sẽ góp phần giải đáp phần nào thắc mắc của bạn đọc.
Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? - Ảnh 1.

Trước đây, nhà đầu tư ở Việt Nam đã “gặp nạn” với các dự án được gọi là “tiền số đa cấp” như Bitconnect, Western, Uncoincash, Regalcoin, Oac, Hextracoin, Falcon, Davorcoin…. Ông có thể giải thích cơ chế hoạt động thực chất của các dự án kiểu này?

Theo tôi được biết, các dự án này huy động tiền với mục đích đầu tư vào Bitcoin hoặc các đồng tiền số khác. Hay nói cách khác là một hình thức tự doanh tiền điện tử và rủi ro là nếu họ đầu tư không hiệu quả thì khả năng mất vốn rất cao. Trong khi đó, họ lại dám cam kết một khoảng lợi nhuận khủng chỉ vì nhìn nhận xu hướng quá khứ mà đồng Bitcoin đang tăng mạnh với tỷ suất lên tới vài trăm phần trăm nên các tay trader này đã bạo dạn huy động tiền để trade tiền điện tử.

>> Xem thêm: Cổ phiếu doanh nghiệp phân phối Mercedes lớn nhất Việt Nam “lao dốc”, bất chấp tiêu thụ xe đạt kỷ lục

Theo kinh nghiệm của ông, các dự án tiền số tại Việt Nam có khả năng sinh lời cực cao là thật hay toàn bộ đều là lừa đảo?

Tôi cho rằng ICO sẽ là một xu hướng tất yếu trong tương lai khi mà startup trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ đang nổi lên. Và trên thực tế, cũng có rất nhiều dự án chứng minh được hiệu quả của mình và tăng trưởng nhanh trong thời gian đầu hoạt động. Tuy nhiên, rủi ro cao là luôn hiện hữu và startup là chưa hề triển khai lịch sử nên luôn phải đánh đổi.

ICO không phải là hoạt động lừa đảo, mà ICO đa cấp đã làm biến tướng xấu đi hoạt động ICO và ảnh hưởng đến các dự án startup tại Việt Nam.

Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? - Ảnh 2.

Trên sàn chứng khoán cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp mượn danh công nghệ blockchain tạo “game” cho cổ phiếu của họ. Cổ phiếu này có những giao dịch bất thường như tăng trần nhiều phiên liên tục rồi lao dốc không phanh. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Cái này tôi nghe rất nhiều, họ thậm chí còn trình bày các dự án ứng dụng blockchain để tạo sóng cổ phiếu. Cũng giống như câu chuyện xảy ra khủng hoảng Dot-com năm 2000, nhà đầu tư cũng lao vào những cổ phiếu có dinh đến cái tên Dot-com và rồi nhận hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Do đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư cần phải hoàn toàn tỉnh táo trước các cơn sốt ảo về Blockchain hay Bitcoin, mà hãy đánh giá hiệu quả thật sự của các dự án này. Nó có thật hay không và nó có chứng minh trong BCTC hay không cho nên hiệu quả hay không hiệu quả và có làm hay không thì đều thể hiện trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cả.

Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? - Ảnh 3.

Thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam có chịu ảnh hưởng gì bởi tiền số hay không?

Hai thị trường này vẫn bị ảnh hưởng vì tiền ảo cũng là 1 kênh đầu tư giống như vàng ngoại tệ, hàng hóa cho nên khi thị trường tiền ảo tạo ra 1 cơn sốt thì lượng tiền đầu tư từ thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ bị dịch chuyển qua.

Tôi cho rằng, thị trường tiền số sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai khi Việt Nam được xem là những quốc gia châu Á đi tiên phong trong công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử.

Sự sai lệch trong dự đoán diễn biến của thị trường tiền ảo có liên quan gì đến thị trường tài chính toàn cầu hay không?

Tôi cho rằng, mức độ ảnh hưởng của thị trường tiền điện tử lên thị trường tài chính toàn cầu không quá lớn. Vốn hóa của thị trường này còn rất thấp và tiền điện tử được phát hành có giới hạn do bị giới hạn bởi công nghệ. Tuy nhiên, ở khái niệm khác thì tiền điện tử cũng được xem là 1 nơi trú ẩn an toàn khi rủi ro thị trường tài chính tăng cao như cuộc khủng hoảng 2008 đã từng xảy ra và hình thành tiền điện tử.

Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? - Ảnh 4.

Vì sao dự án iFAN của Modern Tech lại có thể lôi kéo được nhiều người đầu tư trong đó có cả những người am hiểu về tài chính, với số tiền khổng lồ, lãi suất lên tới 48%/tháng – một con số rất phi lý?

Theo góc độ cá nhân, tôi nghĩ iFan đánh được vào nhu cầu kiếm tiền nhanh của nhà đầu tư bằng cách:

+ Tận dụng được xu hướng tăng của tiền điện tử trong thời gian vừa qua (biên độ biến động tiền điện tử mạnh, nên khả năng kiếm lời 2-3% trong một ngày cũng rất cao).

+ Đưa ra tỷ suất sinh lợi khủng mà không hề có rủi ro bằng các cam kết tín chấp.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, các nhà sáng lập hay dùng dự án bất động sản hoặc một dự án hiện hữu để thực hiện việc huy động. Giá trị dự án bất động sản thường lớn và có giá trị gia tăng nên việc huy động sẽ dễ và giá trị cao hơn.

Hoạt động đa cấp thường mang lại giá trị sinh lời nghe rất hấp dẫn và có cộng thêm các hoa hồng khác nên hoạt động này sẽ cuốn hút nhà đầu tư hơn.

Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? - Ảnh 5.

Ông nghĩ thế nào về con số 15.000 tỷ đồng bị tố lừa đảo trong vụ iFan? Đó là số tiền thực tế mà các nhà đầu tư đã đổ vào, hay là quy mô giao dịch trên sàn giao dịch nội bộ này?

Có thể số tiền không hoàn toàn là 15.000 tỷ. Vì trong quá trình hoạt động, iFan sẽ chi trả các khoảng lãi hàng tháng bằng cách lấy của người sau để trả một phần lãi cho người trước, cho nên số tiền tuyệt đối đã bị hụt đi phần nào.

Cách thức “nhà cái” iFan thao túng, bơm xả token do họ phát hành trên sàn giao dịch nội bộ có khiến ông liên tưởng đến hoạt động làm giá trên thị trường chứng khoán?

ICO cũng là hình thức huy động vốn trên thị trường sơ cấp như IPO ở thị trường cổ phiếu. Thực tế trên thị trường cổ phiếu cũng có một vài cổ phiếu tạo ra các hoạt động ảo hoặc làm giá trên BCTC, nhưng những cổ phiếu đó chủ yếu niêm yết trên sàn Upcom – nơi mức độ minh bạch thông tin là thấp nhất.

Tuy nhiên, hoạt động IPO vẫn có sự giảm sát của Nhà nước và các luật định ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Còn ở hoạt động ICO đa cấp như iFan thì nhà đầu tư lại không được bảo vệ nên mức độ rủi ro là cực lớn.

Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? - Ảnh 6.

Mặc dù vụ việc iFAN đã trở thành một bài học lớn, nhưng rất nhiều người Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư cho tiền ảo. Ông nghĩ gì về điều này?

iFan là một hoạt động ICO đa cấp có rủi ro rất cao. Còn việc đầu tư tiền ảo vào các coin hiện hữu như Bitcoin, Ethereum,… thì tôi nghĩ không rủi ro như vậy vì đây là những đồng tiền có vốn hóa lớn, được hình thành từ lâu và có các tổ chức tài chính lớn tham gia như JP Morgan, IBM, Microsoft, Pepsico hoặc thậm chí tới đây Nasdaq cũng có thể niêm yết các đồng tiền này.

Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? - Ảnh 7.

Theo ông, cần làm gì để bảo vệ bản thân trước cơn lốc tiền số, kinh doanh sản phẩm tài chính kiểu đa cấp?

Hãy đánh giá các thương vụ ICO theo các tiêu chí sau:

+ Công nghệ nền tảng, kỹ thuật và tiềm năng ứng dụng (tìm hiểu xem có các tập đoàn uy tín nào sử dụng đồng coin này hay không).

+ Đội ngũ phát triển.

+ Liên tục cải tiến.

+ Lượng coin của những người sáng lập.

+ Chi phí đào coin Nguồn cung cụ thể (nắm được lượng coin tồn tại).

+ Truyền thông ra sao và giao dịch ở các sàn uy tín.

Giải mã những dự án tiền số ở Việt Nam: Hoàn toàn lừa đảo hay có khả năng sinh lời thật? - Ảnh 8.

Ngoài thị trường tiền số, tại Việt Nam còn bùng nổ thị trường forex quyền chọn nhị phân. Ông đánh giá sao về mức xác thực và những cạm bẫy trong thị trường tài chính này?

Thị trường nhị phân mới hình thành trong thời gian gần đây tại thị trường Việt Nam nhưng sản phẩm này mang tính chất cá cược (đánh bạc) và có độ rủi ro rất cao. Do đó, các nhà đầu tư cần lưu ý về tổ chức giao dịch và phương thức thanh toán.

Khi giao dịch các loại tiền số, ông dùng công cụ phòng ngừa rủi ro gì?

Việc đầu tư trên thị trường Crypto cũng phải được kiểm soát rủi ro trước các biến động giá ngắn hạn và trung hạn. Vì vậy cần đưa ra các mức stoploss hoặc các công cụ phân tích kỹ thuật để tìm điểm stoploss như thị trường forex, vàng, hàng hóa và chứng khoán.

Cần nhớ rằng, bất kỳ kênh đầu tư nào cũng phải có công cụ phòng ngừa rủi ro, đặc biệt khi bạn trade trực tiếp trên các đồng coin đang giao dịch hiện nay thì nên đặt ra các mức stoploss. Có thể dùng các công cụ phân tích kỹ thuật để đưa ra mức stoploss này.

Đối với một dự án như iFan, ông nghĩ ai là người hưởng lợi và có “lãi” lớn nhất?

Lãi thì có lãi từ những người ban đầu mới tham gia, nhưng vấn đề là số tiền vốn gốc vẫn chưa được rút ra, giống như một hình thức chơi hụi ngày xưa mà Nhà nước cấm hoạt động hình thức huy động này. Nhìn chung, phần lớn người hưởng lợi vẫn là những nhà sáng lập.

Nguồn: cafef.vn