Một vướng mắc của thị trường trái phiếu nhìn từ Luật Các tổ chức tín dụng | Yuanta Việt Nam
Flower
Trang chủNewsTin Nhà Đầu TưMột vướng mắc của thị trường trái phiếu nhìn từ Luật Các tổ chức tín dụng

26/08/2024 - 09:19

Một vướng mắc của thị trường trái phiếu nhìn từ Luật Các tổ chức tín dụng

Quy định mới trong Luật Các TCTD năm 2024 khiến nhiều TCPH gặp khó khăn trong việc sử dụng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để hút vốn qua kênh trái phiếu.

Vướng mắc liên quan đến trái phiếu có tài sản bảo đảm là dự án địa ốc. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu.

Vừa qua, tại Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững” được tổ chức bởi Tạp chí Nhadautu.vn, ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng phòng Tự doanh & bảo lãnh phát hành, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương cho biết trong quá trình tư vấn cho các tổ chức phát hành, cũng như tìm kiếm các khoản trái phiếu tốt để đầu tư, phía công ty chứng khoán đang gặp vướng mắc liên quan đếntrái phiếu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

Theo đó, trước đây, với các khoản trái phiếu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, tài sản gắn liền với đất, tài sản hình thành trong tương lai trên bất động sản, thì các ngân hàng thương mại là đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý quản lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và ký hợp đồng nhận thế chấp các tài sản này. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện dự án thì TSBĐ là tài sản liên quan đến dự án là một trong những cơ sở để các tổ chức tài chính quyết định đầu tư trái phiếu. Đặc biệt, tổ chức tín dụng là tổ chức có uy tín và đảm bảo việc thực hiện khách quan quyền và nghĩa vụ cho nhà đầu tư liên quan.

Tuy nhiên, ông Nam cho biết, theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, quy định tại Tiết đ khoản 2. Điều 114. về các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại thì các ngân hàng thương mại chỉ được cung cấp dịch vụ đại lý quản lý TSBĐ cho bên cho vay là tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, hiện nay các ngân hàng thương mại đã dừng cung cấp dịch vụ làm đại lý quản lý TSBĐ cho các khoản trái phiếu mà đơn vị đầu tư không phải là các đối tượng nêu trên.

Bên cạnh đó, qua trao đổi và làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng, đơn vị thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm, văn phòng đất đai đều cho biết: các đơn vị này chưa có tiền lệ thực hiện công chứng và xác nhận cho các hợp đồng thế chấp các tài sản liên quan đến bất động sản mà bên nhận thế chấp không phải là các tổ chức tín dụng và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể từ Sở Tư pháp đối với các trường hợp này.

Như vậy, ngoài tổ chức tín dụng, không còn tổ chức nào có thể thực hiện ký hợp đồng nhận thế chấp bất động sản để làm đại lý quản lý TSBĐ cho khoản trái phiếu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp muốn sử dụng TSBĐ liên quan đến bất động sản để huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu gặp khó khăn. Đây cũng là một trong những điểm khiến việc huy động vốn qua kênh trái phiếu sẽ vướng mắc trong thời gian tới do chất lượng của TSBĐ bị ảnh hưởng.

Khoản 3, điều 114 Luật Các TCTD 2024 quy định: Ngân hàng thương mại được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng ngoài các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Từ đó, ông Nam đề xuất Bộ Tài chính, Ủy Ban Chứng khoán đầu mối làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có thể tìm hướng tháo gỡ vướng mắc này, ví dụ như việc ban hành thông tư hướng dẫn cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện nghiệp vụ đại lý quản lý TSBĐ, góp phần khơi thông dòng vốn ra thị trường qua kênh trái phiếu.

Một đại diện từ công ty chứng khoán khác là ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Cấp cao CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đặt vấn đề trong trường hợp tổ chức phát hành không thể chi trả nợ gốc/lãi trái phiếu, ai sẽ đứng ra xử lý TSBĐ. “Tôi nghĩ cần bổ sung thêm các điều khoản trong hướng dẫn của Nghị định/Thông tư để giả sử TSBĐ rơi vào tình trạng giải chấp thì các ngân hàng sẽ là bên xử lý”, ông Minh nói.

Trong khi đó, bà Trần Kim Dung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đúng là chưa có hướng luật luật đối với vấn đề các thế chấp các TSBĐ là các dự án bất động sản. Hiện, chỉ có chứng khoán đã lưu ký thì mới được phép làm TSBĐ.

Đối với vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận phía Bộ Tài chính có thể có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị ban hành Thông tư hướng dẫn với các nghiệp vụ khác mà ngân hàng thương mại được làm, heo điều 114 Luật Các TCTD năm 2024.

“Bởi, dịch vụ quản lý TSĐB lâu nay vẫn làm, nhưng thuộc các hoạt động kinh doanh khác mà chưa có hướng dẫn. Như vậy, chỉ cần ban hành Thông tư hướng dẫn là xong”, ông Lực nói.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị trong hoạt động khác của ngân hàng thương cần bổ sung thêm việc quản lý TSĐB của các đơn vị đầu tư, cho vay khác (bao gồm CTCK) và dịch vụ liên quan đến phân phối chứng khoán (gần như đã bị cấm không cho làm, hoặc chưa cho phép).

“Việc quyết 2 nút thắt này sẽ tạo đà để TTCK phát triển tốt hơn”, ông Lực kỳ vọng

Nguồn: https://nhadautu.vn/mot-vuong-mac-cua-thi-truong-trai-phieu-nhin-tu-luat-cac-tctd-d88259.html