21/10/2024 - 14:22
Phía sau con số kỷ lục mới về margin cuối quý III
Dữ liệu về kết quả kinh doanh quý III/2024 vừa được hơn 60 công ty chứng khoán công bố cho thấy dư nợ margin của ngành chứng khoán lại lập đỉnh mới, nhưng quy mô tăng trưởng thấp nhất trong 6 quý gần đây.
Thống kê quy mô của 30 công ty chứng khoán có dư nợ lớn nhất cho thấy tổng dư nợ đạt khoảng 219.000 tỷ đồng, cao hơn 7.686 tỷ đồng so với quý trước đó. Sau 9 tháng, tổng dư nợ cho vay ký quỹ của Top 30 tăng trưởng khoảng 53.100 tỷ đồng.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến thuận lợi trong quý II, dư nợ của nhóm công ty này tăng khoảng 23.000 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể khi margin thị trường hồi phục đầu năm 2023.
Tuy nhiên, sang tới quý III, tăng trưởng margin thu hẹp so với những quý liền trước do thanh khoản của thị trường xuống thấp. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong quý vừa qua giảm khoảng 20% so với bình quân nửa đầu năm.
Bối cảnh thanh khoản thị trường thu hẹp cộng với sự cạnh tranh mạnh mẽ trong chính sách margin đã tạo ra bức tranh phân hóa của ngành chứng khoán quý vừa qua.
Một lý do khác đến từ sự thay đổi khẩu vị, chính sách rủi ro của một nhóm công ty chứng khoán lớn khiến việc cho vay khách hàng lớn (cho vay doanh nghiệp, cho vay deal) có phần hạn chế hơn thời điểm điểm trước đó, các tổ chức tập trung vào hoạt động bán lẻ. Mức định giá cổ phần cầm cố thấp hơn khiến các công ty chứng khoán khó tăng trưởng dư nợ cho vay.
Theo dõi hoạt động từng đơn vị cho thấy xu hướng chủ đạo trong quý vừa qua là thu hẹp đà tăng trưởng so với quý liền trước hoặc dư nợ thấp hơn nếu so sánh với cuối tháng 6.
Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu thị trường về dư nợ margin, đạt gần 1 tỷ USD. Tăng trưởng dư nợ margin trong quý vừa qua của đơn vị này đạt gần 800 tỷ đồng trong khi mức ghi nhận trong quý III là hơn 5.100 tỷ đồng.
Đứng trong Top 5 về margin tiếp tục là những cái tên quen thuộc với quy mô dư nợ đạt trên 10.000 tỷ đồng như SSI, HSC, Mirae Asset (Việt Nam), VPS. Trong nhóm này, Mirae Asset (Việt Nam) là đơn vị có mức tăng trưởng margin mạnh nhất trong quý vừa qua với hơn 1.300 tỷ đồng, đạt 17.385 tỷ đồng tại ngày 30/9.
Ngoài Mirae Asset (Việt Nam), nhóm tăng trưởng margin đạt trên 1.000 tỷ đồng còn có Vietcap. Trong quý II, dư nợ margin của Vietcap đi ngược xu hướng chung của thị trường và giảm 556 tỷ đồng. Sang tới quý III, công ty chứng khoán liên quan đến mà Nguyễn Thanh Phượng tăng trưởng mạnh nhất trong Top 10, đạt mức kỷ lục mới với 9.951 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng margin 26,5% của Vietcap quý vừa qua cao nhất trong Top 20 đơn vị lớn nhất song đây vẫn chưa phải là đơn vị tạo ấn tượng nhất. Sau khi đổi tên và kiện toàn bộ máy hoạt động, ban lãnh đạo, Chứng khoán LPBank (LPBS) nâng quy mô cho vay từ 505 tỷ đồng cuối tháng 6 lên hơn 3.000 tỷ đồng tại ngày 30/9, tường đương tỷ lệ tăng trưởng gần 500%.
Ở nhóm có dư nợ nghìn tỷ đồng, các tổ chức ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng hai con số còn có KAFI, DNSE, Rồng Việt, VietinBank Securities, DSC.
Ở chiều ngược lại, nhiều đơn vị báo cáo suy giảm như BSC, Maybank, Phú Hưng, Pinetree, VPBankS. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC, Mã: BVS) là công ty chứng kiến margin sụt giảm mạnh nhất. Tổng dư nợ cuối tháng 9 của đơn vị này 2.477 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cuối quý II.
Ngoài hai nhóm biến động mạnh theo chiều hướng tăng và giảm như vừa kể trên, các công ty chứng khoán khác có tỷ lệ tăng giảm dưới 5% có ACBS, FPTS, KB Việt Nam, VCBS, Yuanta Việt Nam, VIX, Agriseco.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/phia-sau-con-so-ky-luc-moi-ve-margin-cuoi-quy-iii-20241019125935175.htm