13/09/2022 - 14:08
Tài chính là gì? Các yếu tố liên quan đến tài chính
Tài chính luôn là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết mọi chủ thể trong nền kinh tế từ cá nhân, doanh nghiệp đến nhà nước. Bởi lẽ, để tất cả hoạt động, kế hoạch, án dự,… được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra đều cần tiềm lực dồi dào. Vậy tài chính là gì? Những yếu tố nào liên quan đến tài chính? Bài viết sẽ tập trung giải đáp các thắc mắc trên.
Tài chính là gì?
Tài chính gồm các quỹ tiền tệ do Nhà nước hình thành nhằm mục đích thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Đây là cách hiểu trực quan về tài chính. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ giữa tài chính và tiền tệ.
Tài chính không phải là tiền tệ nhưng các quỹ tiền tệ do Nhà nước hình thành chính là những biểu hiện giá trị bên ngoài của tài chính. Hay nói cách khác, tài chính tồn tại thực trong đời sống kinh tế – xã hội thông qua biểu hiện về mặt vật chất là các quỹ tiền tệ.
Một khái niệm khác về tài chính được đưa ra là: Tài chính là tổng hợp các quan hệ kinh tế, được hình thành trong quá trình thành lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định được hình thành bởi Nhà nước, nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. Đây là cách hiểu trừu tượng về khái niệm tài chính. Khái niệm này được đưa ra xuất phát từ bản chất bên trong của tài chính – vốn là các quan hệ phân phối bao gồm phân phối tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân – kết quả của các hoạt động kinh tế.
Qua những phân tích trên, có thể hiểu tài chính như sau: Tài chính được biểu hiện bởi sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ có chức năng phương tiện thanh toán và phương tiện cất trữ trong quá trình tạo lập, phân phối hay sử dụng các quỹ tiền tệ. Tài chính thể hiện những mối quan hệ kinh tế tồn tại trong quá trình phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập, sử dụng những quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng những nhu cầu của các chủ thể trong đời sống xã hội.
Sự ra đời của tài chính
Vai trò của tài chính trong nền kinh tế quốc dân là vô cùng quan trọng. Vậy tài chính xuất hiện từ bao giờ? Những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của tài chính? Sau đây là 2 lý do cơ bản dẫn đến sự ra đời của tài chính.
Sự ra đời do sản xuất hàng hóa và tiền tệ
Thời kỳ công xã nguyên thủy tan rã, xã hội bắt đầu có sự phân công lao động, Sự chiếm hữu về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động manh nha. Từ đó dẫn đến việc ra đời của nền sản xuất hàng hóa và tiền tệ xuất hiện như một tất yếu khách quan.
Trong nền kinh tế hàng hóa, tiền tệ đóng vai trò quan trọng với tư cách là môi giới trung gian giúp việc trao đổi hàng hóa được tiến hành một cách dễ dàng hơn. Từ đó, tiền tệ được sử dụng với các chức năng phương tiện trao đổi và phương tiện tích lũy trong trao đổi, mua bán hàng hóa, qua đó hình thành nên các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế, nhằm mục đích tiêu dùng và đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Các quỹ tiền tệ này được tạo lập và sử dụng bởi các chủ thể trong nền kinh tế xã hội. Chính nhờ vào các quan hệ kinh tế đó đã làm nảy sinh phạm trù tài chính.
Sự ra đời do sự xuất hiện của nhà nước
Trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, khi xã hội có sự chiếm hữu khác nhau về tư liệu sản xuất, thì làm nảy sinh sự phân chia giai cấp và đồng thời làm xuất hiện nhà nước. Nhà nước ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế hàng hóa, mở rộng phạm vi hoạt động của tài chính.
Mặt khác, nhà nước đã tạo lập quỹ ngân sách nhà nước nhằm duy trì hoạt động của mình thông qua quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị và hình thành nên lĩnh vực tài chính nhà nước. Như vậy, bên cạnh những tiền đề quyết định làm nảy sinh phạm trù tài chính là sản xuất hàng hóa và tiền tệ, sự ra đời của nhà nước làm cho hoạt động tài chính phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Các mối quan hệ trong tài chính
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, tài chính còn thiết lập nên những mối quan hệ gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ của doanh nghiệp. Đây là các quan hệ kinh tế chủ yếu, bao gồm:
Mối quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với ngân sách nhà nước
Trong mối quan hệ này, Nhà nước giữ vai trò cấp phát, hỗ trợ vốn và góp vốn cổ phần cho doanh nghiệp hoạt động (đối với các doanh nghiệp nhà nước) theo những nguyên tắc và phương thức nhất định để tiến hành sản xuất kinh doanh và phân chia lợi nhuận. Đồng thời, mối quan hệ tài chính này cũng phản ánh những quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị phát sinh thông qua các khoản thuế mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp cho ngân sách Nhà nước theo quy định.
Mối quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với thị trường tài chính
Mối quan hệ này thể hiện trong việc tài trợ các nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Đối với thị trường tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn khi xét duyệt đủ điều kiện sẽ nhận được các khoản vay từ phía ngân hàng với cam kết doanh nghiệp phải hoàn trả vốn vay và nộp đủ tiền lãi khi đến hạn.
Với thị trường vốn, thông qua hệ thống các tổ chức tài chính trung gian khác, doanh nghiệp có thể tìm kiếm các nguồn tài trợ khác để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn thông qua cách phát hành chứng khoán. Ngược lại, các doanh nghiệp phải trả đủ mọi khoản lãi cho các chủ thể tham gia đầu tư vào doanh nghiệp bằng một khoản tiền cố định hoặc xét theo khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông qua thị trường tài chính, các doanh nghiệp có khoản tiền nhàn rỗi cũng có thể đầu tư bằng cách kí gửi vào hệ thống ngân hàng hoặc đầu tư vào chứng khoán.
Mối quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các thị trường khác
Trong nền kinh tế quốc dân hiện nay, tài chính còn thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các thị trường khác như thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường sức lao động,..
Để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp phải sử dụng vốn để mua sắm vật tư, trang thiết bị, trả lương cho người lao động, chi trả các khoản phí dịch vụ.
Đồng thời, thông qua việc khảo sát thị trường, doanh nghiệp xác định nhu cầu thị trường về các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Từ đó, làm cơ sở hoạch định ngân sách đầu tư, kế hoạch phát triển, tiếp thị… nhằm đảm bảo cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp luôn thỏa mãn thị yếu của khách hàng.
Mối quan hệ tài chính trong nội bộ doanh nghiệp
Mối quan hệ này được thể hiện cụ thể thông qua việc:
- Chi trả tiền lương, tiền công cho công nhân viên, người lao động và thực hiện các khoản tiền thưởng, tiền phạt kèm theo
- Thanh toán tài chính giữa các bộ phận trong doanh nghiệp
- Phân phối lợi nhuận nhận được sau thuế của doanh nghiệp
- Phân chia lợi tức cho các cổ đông
- Hình thành các quỹ của doanh nghiệp
Bản chất của tài chính là gì?
Xét về bản chất, tài chính được hiểu là các quan hệ kinh tế trong phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị. Thông qua đó tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng yêu cầu tích lũy và tiêu dùng các chủ thể trong nền kinh tế.
Nhìn bề ngoài, tài chính có vẻ giống như các quỹ tiền tệ của những chủ thể trong xã hội. Nhưng tài chính không phải là tiền tệ. Tiền tệ về bản chất là đóng vai trò vật ngang giá chung trong trao đổi hàng hóa với các chức năng vốn có của nó: phương tiện để đo lường giá trị hàng hóa, phương tiện trao đổi (gồm phương tiện lưu thông và phương tiện thanh toán) và phương tiện tích lũy.
Tài chính được hiểu là sự vận động tương đối của tiền tệ thực hiện chức năng của mình, nhằm mục đích tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế.
Bản chất của tài chính được thể hiện chi tiết thông qua các quan hệ kinh tế cơ bản trong quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị như sau:
- Quan hệ giữa nhà nước với cơ quan, đơn vị kinh tế, dân cư.
- Quan hệ giữa tổ chức tài chính trung gian với các cơ quan, tổ chức kinh tế phi tài chính, dân cư.
- Quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị kinh tế, dân cư với nhau và các quan hệ kinh tế trong nội bộ các chủ thể đó.
- Quan hệ giữa các quốc gia với nhau trên thế giới…
Các chức năng của tài chính
Tài chính được xem là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định đến sự phát triển của các chủ thể trong nền kinh tế. Vậy chức năng của tài chính là gì? Tại sao nó lại đảm nhiệm vai trò quan trọng như vậy? Câu trả lời được thể hiện qua 3 chức năng cơ bản của tài chính, cụ thể:
Chức năng huy động
Đây là chức năng tạo lập nguồn tài chính thông qua việc huy động vốn, từ đó cho thấy khả năng tổ chức, khai thác nguồn tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế. Để việc huy động vốn đem lại hiệu quả cao nhất cần phải phải tuân theo cơ chế thị trường, quan hệ cung cầu.
Chức năng phân phối
Chức năng phân phối qua tài chính là việc phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị. Thông qua chức năng này, những quỹ tiền tệ tập trung và không tập trung được hình thành và sử dụng với các mục đích nhất định.
Phân phối thông qua tài chính bao gồm cả quá trình phân phối lần đầu (sự phân phối tổng sản phẩm xã hội cho các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất vật chất và dịch vụ) và quá trình phân phối lại (quá trình tiếp tục phân phối những phần thu nhập cơ bản, những quỹ tiền tệ đã được hình thành trong quá trình phân phối lần đầu ra phạm vi rộng hơn).
Chức năng giám sát
Chức năng giám sát tài chính là nói đến khả năng khách quan của phạm trù tài chính. Chức năng này đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức kiểm tra quá trình vận động của các nguồn tài chính để tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ. Khả năng đó được biểu hiện ngay trong quá trình thực hiện chức năng phân phối tài chính. Cụ thể, người ta có thể tiến hành kiểm tra về mục đích, quy mô và hiệu quả của quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ. Khác với chức năng giám sát tài chính, công tác kiểm tra tài chính là các hoạt động chủ quan của con người trong việc kiểm tra quá trình phân phối nhằm tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.
Hệ thống tài chính
Hệ thống tài chính được biết đến chính là mạng lưới bao gồm các trung gian tài chính (tổ chức tín dụng, tổ chức tiết kiệm và cho vay, bảo hiểm) và thị trường tài chính (thị trường cổ phiếu, trái phiếu) mà ở đó diễn ra các giao dịch, trao đổi nhiều công cụ tài chính khác nhau (tiền gửi, tín phiếu, thương phiếu, cổ phiếu, trái phiếu) có liên quan đến việc tài trợ tín dụng.
Hoạt động của hệ thống tài chính diễn ra trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Nhìn chung, hệ thống tài chính bao gồm các dịch vụ, thị trường và thể chế tài chính phức tạp, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm tạo ra liên kết hiệu quả, tối ưu và thường xuyên giữa người có nhu cầu đi vay và người có khoản tiền nhàn rỗi.
Hệ thống tài chính gồm các thành phần như:
- Tài chính công
- Tài chính doanh nghiệp
- Thị trường tài chính
- Tài chính quốc tế
- Tài chính hộ gia đình, cá nhân
- Tài chính các tổ chức xã hội
- Tài chính trung gian
Tài chính là thuật ngữ không còn xa lạ trong nền kinh tế hiện nay. Việc hiểu rõ tài chính là gì và vấn đề liên quan đến tài chính có ý nghĩa quan trọng về lí luận và thực tiễn. Đó là cơ sở để điều chỉnh các quan hệ tài chính từ đó đưa ra các phương án, chiến lược phù hợp cho sự phát triển doanh nghiệp. Trên đây, bài viết được chia sẻ bởi công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam về Tài chính là gì? và các yếu tố liên quan đến tài chính.