Thị trường chứng khoán đã trôi qua 3/4 chặng đường của năm 2024. Nhìn lại giai đoạn qua, ông có những đánh giá như thế nào?
Từ đầu năm đến nay, thị trường có sự tăng trưởng tốt nhất trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đến tháng 4 thị trường bắt đầu có sự chững lại khi VN-Index lên đến 1.300 điểm, tình trạng đi ngang chiếm vai trò chủ đạo trong biên độ 1.200 – 1.300 điểm.
Nhìn chung, thị trường có sự phân hoá rất rõ trong từng giai đoạn. Có giai đoạn nhóm cổ phiếu công nghệ, midcap, smallcap tăng khá tốt, trong khi dòng tiền bỏ quên đi các cổ phiếu vốn hoá lớn. Đến thời điểm tháng 7 – 8, dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn và chưa tạo đủ động lực chính cho thị trường bứt phá vượt 1.300 điểm.
Sau đó, thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như sự chững lại của nhóm cổ phiếu công nghệ, làm nhà đầu tư giảm bớt hưng phấn, lo ngại về khủng hoảng, suy thoái năm 2025 khi số liệu vĩ mô từ các quốc gia lớn như Trung Quốc và Mỹ đang trong giai đoạn hồi phục chậm.
Đến giai đoạn gần đây, khi những yếu tố rủi ro từ bên ngoài như khủng hoảng, suy thoái giảm bớt, thị trường trong nước lại bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, yếu tố gần đây nhất là thiên tai cũng khiến dòng tiền thận trọng hơn.
Dù thị trường tương đối khó khăn từ tháng 4, nhưng dòng tiền vẫn luẩn quẩn trong thị trường mà chưa có dấu hiệu rút ra. Trong khi đó, áp lực bán đến từ nhà đầu tư nước ngoài khi từ đầu năm, khối ngoại bán ra gần 66.000 tỷ đồng.
Rõ ràng, một làn sóng thoái vốn nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến nhà đầu tư trong nước lo ngại. Dòng vốn FII (đầu tư gián tiếp) cũng trong khuynh hướng bị rút ra, kể cả khi áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt nhiều, càng khiến nhà đầu tư trong nước lo ngại làn sóng này còn tiếp diễn và kéo dài.
Thực tế, nhà đầu tư Việt Nam hay góc nhìn các công ty chứng khoán thường tập trung quá nhiều vào ngắn hạn, nên khi thị trường giảm từ 1.300 điểm xuống 1.200 điểm, mọi người bắt đầu bi quan thái quá, nhưng nhìn tổng thể rộng hơn, thị trường chỉ đi ngang từ 1.200 – 1.300 điểm.
Những yếu tố nào sẽ tác động đến thị trường chứng khoán những tháng cuối năm? Đâu là những điểm sáng nhà đầu tư có thể kỳ vọng, thưa ông?
Trước hết về mặt rủi ro, dù gần đây xuất hiện một số biến động về thiên tai, rủi ro địa chính trị trên thế giới chúng ta không nói trước được, nhưng những rủi ro trong 6 tháng đầu năm như lạm phát, tỷ giá đã tạm qua đi.
Mặt khác, với những áp lực trong 6 tháng đầu năm, tôi từng lo ngại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng lãi suất trong những tháng cuối năm, nhưng giờ đây áp lực đã giảm bớt, NHNN có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho sự hồi phục trong nước trước. Đến khi trong nước ổn định, NHNN có cơ sở tăng lãi suất lên, khi đó mới kỳ vọng khả năng dòng vốn ngoại vào thị trường mạnh hơn.
Trong khi đó, động lực thứ nhất của chứng khoán vẫn đến từ việc gỡ nút thắt cho thị trường hiện tại, giải pháp ngắn hạn vẫn là refunding và nâng hạng thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh. |
Thứ hai, động lực đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 17 – 18/9 vừa qua. Điều này sẽ giúp NHNN có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Cùng với những thiệt hại mới được ghi nhận từ thiên tai, có khả năng Chính phủ sẽ tung thêm nhiều gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn.
Thứ ba, động lực đến từ 3 nhóm ngành có vốn hoá lớn nhất hiện nay là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Đối với ngân hàng và chứng khoán, sự tăng trưởng năm nay vẫn tốt, định giá vẫn thấp và môi trường lãi suất sắp tới và tỷ giá hạ nhiệt thì khả năng cao hai nhóm này sẽ hưởng lợi trực tiếp và dẫn dắt thị trường những tháng cuối năm.
Còn bất động sản dù vẫn mang tính đầu cơ, sắc tối chiếm chủ đạo, nhưng ít nhất thị trường đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Với việc mặt bằng lãi suất được giữ ở mức thấp, nhóm bất động sản sẽ có cửa sáng rõ hơn, đặc biệt là giai đoạn mất thanh khoản của nhóm này cũng đã qua đi.
Thứ tư, trong nền kinh tế hồi phục, nhu cầu tiêu dùng sẽ quay trở lại, khi đó những doanh nghiệp gia công sản xuất sẽ là nhóm hưởng lợi đầu tiên. Hiện các phân xưởng sản xuất trên toàn cầu gồm có: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ là trung tâm sản xuất, nguồn cung ứng chính.
Hiện nay, dù giá bán các mặt hàng sản phẩm chưa tăng, nhưng nhu cầu hồi phục là có, số lượng đơn đặt hàng tăng lên sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì tốt việc làm, doanh thu có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã giảm, giá cước cũng hạ nhiệt so với 6 tháng đầu năm, cuối cùng là chi phí lãi vay ở mức thấp sẽ giúp biên lãi ròng của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm được cải thiện.
Dù ảnh hưởng của cơn bão Yagi đến nền kinh tế là có, nhưng mức độ chưa đủ tác động lên dự phóng về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp năm 2024. P/E hiện tại dưới mức 12 lần thì thị trường vẫn hấp dẫn. Đồng thời, nhìn trong lịch sử, những cơn bão không có tác động tiêu cực nhiều đối với thị trường chứng khoán bằng những yếu tố khác.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, chứng khoán sẽ không còn nhiều rủi ro lớn? Ông dự báo thị trường sẽ vận động ra sao?
Từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán sẽ trải qua 2 giai đoạn.
Thứ nhất, từ nay đến giữa quý IV là giai đoạn đi lên của thị trường, dù giai đoạn này vẫn lình xình đi ngang, nhưng tôi kỳ vọng sẽ có một đoạn thị trường tăng mạnh, VN-Index sẽ vượt 1.300 điểm, thậm chí tiệm cận vùng 1.350 điểm. Nếu VN-Index vượt 1.300 điểm sẽ kích thích sự hưng phấn, giúp dòng tiền quay lại thị trường mạnh hơn.
Thứ hai là từ giữa tháng 11 đến tháng 12, thị trường sẽ trở nên khó khăn hơn, vì con số quý IV/2024 có thể tăng trưởng chậm lại so với mức nền cao từ quý IV/2023. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả cũng có thể khiến thị trường chậm lại.
Với kịch bản như ông vừa chỉ ra, nhà đầu tư có thể phân bổ danh mục ra sao để tối ưu hoá lợi nhuận?
Từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư có thể ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục, nhưng trong ngắn hạn, không nên lạm dụng đòn bẩy. Trong trường hợp xu hướng thị trường rõ ràng hơn, VN-Index vượt 1.300 điểm có thể tăng dần đòn bẩy để tối ưu lợi nhuận lên mức phù hợp khẩu vị rủi ro mỗi người.
Nhìn chung, trong giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, nhà đầu tư nên đa dạng hoá danh mục đầu tư, không nên đặt tất cả vào một nhóm cổ phiếu, vì khả năng thua lỗ rất cao. Sự đa dạng hoá danh mục một cách linh động sẽ giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro và có sự bù đắp giữa các cổ phiếu.
Cụ thể, khi nhận thấy thị trường có những đợt biến động, xuất hiện rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục, tăng tỷ trọng vào nhóm cổ phiếu phòng thủ, phần còn lại để mua bán các cổ phiếu beta cao. Đến khi nhìn thấy xu hướng thị trường rõ ràng hơn, VN-Index vượt 1.300 điểm, nhà đầu tư có thể đẩy tỷ trọng beta cao lên và giảm tỷ trọng phòng thủ xuống.
Trong đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn các nhóm cổ phiếu có beta cao như: ngân hàng, chứng khoán, vận tải, hoá chất, sản xuất thực phẩm, bán lẻ. Còn nhóm phòng thủ gồm dược phẩm, công nghệ và dịch vụ dầu khí.
Riêng nhóm dịch vụ dầu khí có thể khiến mọi người băn khoăn khi nằm trong nhóm phòng thủ. Thực tế, giá cổ phiếu nhóm này từ đầu năm nay không giảm nhiều, bên cạnh đó, giá vốn để các doanh nghiệp triển khai khai thác dầu là từ 50 – 60 USD/thùng, nên với việc giá dầu hiện tại, nhóm dịch vụ dầu khí vẫn được đảm bảo. Đặc biệt, nhóm này còn đang chờ đợi cú hích từ Lô B – Ô Môn nên nhà đầu có thể nắm giữ.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tim-dong-luc-thi-truong-cuoi-nam-post354300.html