Flower
  • VN-Index

    1290.18

    7.09 (+0.55%)
  • HNX-Index

    243.92

    1.07 (+0.44%)
  • UPCOM-Index

    91.48

    0.3 (+0.33%)
  • VN30-Index

    1303.2

    14.43 (+1.12%)
  • VNDiamond

    2156.47

    19.54 (+0.91%)
  • VNFinlead

    2135.92

    34.45 (+1.64%)
  • VNMidcap

    1947.6

    8.21 (+0.42%)
  • VNSmallcap

    1530.66

    3.89 (+0.25%)
Trang chủTin tứcBlogPhân tích kỹ thuậtỨng dụng của Mô hình nến Heiken Ashi trong đầu tư chứng khoán

31/03/2022 - 13:49

Ứng dụng của Mô hình nến Heiken Ashi trong đầu tư chứng khoán

Trong thị trường tài chính chứng khoán, các nhà đầu tư có thể sử dụng nhiều công cụ nhằm phân tích và xem xét các danh mục đầu tư của mình. Một trong những công cụ nổi bật mà Yuanta muốn đề cập đến ở đây chính là mô hình nến Heiken Ashi. Vậy nến Heiken Ashi là gì, cách áp dụng nó vào việc phân tích ra sao? Tất cả sẽ được làm rõ một cách chi tiết trong bài viết dưới đây!

Ứng dụng của Mô hình nến Heiken Ashi trong đầu tư chứng khoán

Nến Heiken Ashi là gì?

Nến Heiken Ashi là gì?

Định nghĩa

Nến Heiken Ashi (viết tắt là HA), khi dịch ra tiếng Nhật có nghĩa là Thanh Giá Trung Bình (Average Bar). Vì nến này có thành phần cấu thành từ giá trị trung bình nên nó có tên gọi là thanh giá trung bình. Sự hình thành ra nến HA được tính toán dựa trên các dữ liệu  thị giá ở hiện tại và ở quá khứ, từ đó biểu đồ HA được biểu diễn một cách trơn tru, mượt mà giống như những đường trung bình cộng – MA (Moving Average).

Chính vì thế, các nhà đầu tư cần phải lưu ý rằng: Nến Heiken Ashi không phải là một biểu đồ giá, mà chúng chỉ là một chỉ báo. Vậy nên các nhà đầu tư không thể nghĩ nến thanh giá trung bình này là đại diện cho mức giá hiện tại, hoặc vùng giá mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán được. 

Cấu tạo

Tương tự các loại nến khác, nến HA cũng có cấu tạo gồm các phần thân, bóng nến trên, bóng nến dưới. Vì được tạo ra dựa vào các dữ liệu của các nến nằm trước nó, nên nến này sẽ có 4 điểm dữ liệu, và chúng ta phải dựa vào các phép toán khác nhau để tính toán. Chính vì thế, các nhà đầu tư cần phải hiểu thật rõ về nến HA khi sử dụng chúng cho việc phân tích, dự đoán xu hướng thị trường.

Cấu tạo của nến Heiken Ashi

Nến HA sẽ gồm các phần dữ liệu mà chúng ta cần chú ý đó là: giá mở, giá đóng, giá đỉnh và giá đáy nến. Mỗi thanh nến HA sẽ bắt đầu từ điểm chính giữa của thanh nến đứng trước nó.

Để hình thành ra một cây nến trong mô hình Thanh Giá Trung Bình, các thông số sẽ được tính bằng các công thức sau:

(1): Giá mở nến Heiken Ashi = (Giá mở cửa nến HA phiên trước + Giá đóng cửa nến HA phiên trước)/2 = Giá đóng và mở trung bình của nến HA hiện tại.

(2): Giá đóng cửa nến Heiken Ashi = (Giá mở cửa + Giá đóng cửa + Giá cao nhất + Giá thấp nhất)/4 = Trung bình của giá đóng cửa, mở, cao nhất và thấp nhất của nến HA hiện tại.

(3): Đỉnh nến Heiken Ashi = chọn mức cao nhất trong số 3 cấp (Giá cao nhất, giá mở cửa Heiken Ashi hoặc giá đóng cửa).

(4): Đáy nến Heiken Ashi = chọn mức thấp nhất trong số 3 cấp (Giá thấp nhất, Giá mở Heiken Ashi hoặc giá đóng cửa).

Đặc điểm

Sau khi biết được nến Heiken Ashi là gì thì chắc hẳn các nhà đầu tư không dễ dàng bỏ qua đặc điểm của mô hình này. Một số đặc điểm nổi bật của mô hình nến HA là:

  • Mô hình nến HA được tính toán dựa theo dữ liệu ở cả quá khứ và hiện tại. Vì vậy, các dãy nến HA thường có liên kết chặt chẽ và trực tiếp đến nhau.
  • Trong thị trường tài chính chứng khoán, nến HA cho ta thấy được sự hạn chế của những tín hiệu sai lệch hay nhiễu do thị trường. Và mô hình nến này cũng cho chúng ta thấy rõ được xu hướng của thị trường.
  • Mô hình nến HA rất thích hợp với những người chơi mới vì nó dễ đọc và phân tích.

Những ưu điểm và nhược điểm của nến Heiken Ashi:

Mặc dù nến Heiken Ashi không thông dụng như nến Nhật (mô hình khá quen thuộc với các nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm) nhưng mô hình nến này cũng là một trong những phương pháp hỗ trợ rất hiệu quả giúp các nhà đầu tư trong việc đánh giá xu hướng thị trường hiện tại.

So sánh nến Nhật và nến Heiken Ashi

Ưu điểm của nến Heiken Ashi

  • Các nhà đầu tư nhận định được xu hướng thị trường một cách dễ dàng và thuận tiện hơn nhờ vào biểu đồ của mô hình nến HA này. 
  • Cách nhận biết dễ dàng vì mô hình nến Thanh Giá Trung Bình thường xuất hiện những mảng xanh, đỏ nối tiếp nhau, trong khi các nến Nhật khác thường xuất hiện nến xanh đỏ đan xen nhau.
  • Các nhà đầu tư có thể sử dụng mô hình nến HA trên nhiều khung thời gian tùy biến: 15 phút, 1 giờ, ngày, tuần, …
  • Các nhà đầu tư sẽ giảm thiểu các tác động tâm lý từ biến động giá ngắn hạn nếu như chỉ dựa vào mô hình nến HA.

Nhược điểm của nến Heiken Ashi:

  • Mô hình nến Heiken Ashi không biểu thị mức giá cụ thể đối với thời điểm hiện tại trên biểu đồ.
  • Do nến HA được tính toán dựa theo diễn biến của nến trước nó, nên mô hình nến HA thường phát tín hiệu đảo chiều chậm hơn. Vì vậy, các chiến lược mà nhà đầu tư dựa trên khung đồ thị 1 hay 5 phút là không phù hợp và không thực sự hiệu quả.
  • Nếu như các danh mục đầu tư của bạn đang trong giai đoạn chiến lược chốt lời hay cắt lỗ chủ động thì việc sử dụng mô hình nến Thanh Giá Trung Bình là không phù hợp.

Sử dụng mô hình nến Heiken Ashi trong chứng khoán như thế nào?

Dựa vào tín hiệu của các nến Heiken Ashi:

Các nhà đầu tư có thể lựa chọn, quyết định giao dịch mua bán hay nắm giữ cổ phiếu bằng cách dựa vào mô hình của nến HA. Vì nhìn vào mô hình của nến và các tín hiệu mà biểu đồ nến HA đem lại mà các nhà đầu tư sẽ dễ dàng nhận biết được sự thay đổi và xu hướng của thị trường lúc đó. Cụ thể, chúng ta có thể tham khảo như sau:

Nến màu xanh (Xu hướng tăng) – có thân nến dài – bóng nến trên dài, bóng nến dưới ngắn (có thể không có bóng nến dưới). Lúc này các nhà đầu tư có thể nắm giữ hoặc thực hiện lệnh mua để tối ưu hóa lợi nhuận.

Biểu thị xu hướng tăng

Nến màu đỏ (Xu hướng giảm) – có phần thân nến dài – bóng nến dưới dài và bóng nến trên ngắn (có thể không có bóng nến trên). Các nhà đầu tư không nên tham gia giao dịch vào lúc này vì đây là tín hiệu xấu báo hiệu xu hướng giảm.

Biểu thị xu hướng giảm

Tín hiệu đảo chiều: Các nến lúc này có thể có phần thân ngắn và bóng trên, bóng dưới khá dài. Lúc này có xu hướng đảo nên nhà đầu tư có thể đưa ra lựa chọn mạo hiểm để tham gia giao dịch, thu về lợi nhuận mong muốn.

Tín hiệu đảo chiều của giá

Cách nhận biết xu hướng của nến Heiken Ashi:

Xu hướng tăng:

Nếu mới nhìn vào, có thể bạn sẽ nhầm lẫn giữa nến HA và nến Nhật vì nến HA có xu hướng tăng khá giống với xu hướng tăng của nến Nhật. Nhưng để phân biệt rõ hơn và chính xác hơn, bạn có thể dựa vào đặc điểm của nến HA, xu hướng tăng của nến HA này dựa và các nến tăng và không có phần bóng nến dưới. Khi xu hướng tăng mạnh, các nến sẽ chỉ có một vài bóng nến dưới và được đánh dấu màu xanh lam, đây chính là thời điểm xu hướng tăng rất mạnh, nhà đầu tư nên xem xét kỹ điểm này.

Biểu đồ xu hướng tăng

Xu hướng giảm:

Tương tự xu hướng tăng mà Yuanta đã nêu trên, xu hướng giảm của nến HA thoạt nhìn cũng khá giống với xu hướng giảm của các nến Nhật thông thường. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy được xu hướng giảm dựa vào các nến HA có màu đỏ chiếm đa số trên biểu đồ, chúng có bóng nến trên rất ngắn hoặc không có phần bóng nên trên. Đây cũng được xem là đặc điểm để nhận diện xu hướng giảm của nến Heiken Ashi.

Biểu đồ xu hướng giảm

Các mô hình về giá của nến HA:

Mô hình đảo ngược Moji:

Mô hình Doji trong biểu đồ nến Heiken Ashi

Nhà đầu tư có thể tham khảo có hình minh họa trên, đó chính là mô hình nến đảo ngược được gọi là Doji xuất hiện trên biểu đồ nến HA. Khi giá đóng cửa và giá mở cửa có cùng mức giá thì nến Doji sẽ xuất hiện. Về cơ bản, nến Doji trông giống một dấu gạch ngang vì không có phần thân vì nến xuất hiện lúc giá đóng cửa và giá mở cửa bằng nhau. Nhà đầu tư nên chú ý vì khi nến Doji xuất hiện, thị trường sẽ có khả năng đảo chiều.

Dựa vào hình minh họa phía trên của biểu đồ nến Heiken Ashi, chúng ta thấy được giá thay đổi 3 ở 3 thời điểm: giá giảm, tăng rồi lại giảm. Ở thời điểm giá giảm lần đầu tiên trong hình, chúng ta nhìn kỹ sẽ thấy có sự xuất hiện của nến Doji ở cuối vòng giá. Sau đó, ta thấy xu hướng tăng theo hướng đảo ngược cũng xuất hiện nến Doji (mũi tên trong hình). Sau đó biểu đồ lại biểu thị xu hướng giảm. Như vậy, dựa vào nến Doji, chúng ta có thể nhận biết được xu hướng đảo chiều của thị trường để kịp thời nắm bắt các cơ hội đầu tư.

Mô hình Wedge – mô hình cái nêm

Mô hình Wedge – mô hình cái Nêm trong biểu đồ nến Heiken Ashi

Một trong những mô hình mà nhà đầu tư dễ bắt gặp trong biểu đồ nến Thanh Giá Trung Bình là mô hình cái Nêm – tiếng Anh gọi là Wedge. Mẫu mô hình này thường có 2 loại: mô hình nêm tăng và mô hình nêm giảm. Trong đó ta thấy, mô hình nêm tăng (Rising Wedge) là tín hiệu cho thấy thị trường đang có tiềm năng giảm giá; mô hình nêm giảm (Falling Wedge) là tín hiệu cho thấy thị trường đang có tiềm năng tăng giá. Các nhà đầu tư có thể dựa vào các tín hiệu này để lựa chọn hành động đầu tư phù hợp cho mình.

Mô hình Triangle – giá tam giác

Mô hình Triangle – tam giác

Trong thị trường tài chính chứng khoán, mô hình tam giác hay còn được gọi là mô hình Triangle thường xuất hiện vào lúc thị trường đi ngang. Cụ thể hơn trong biểu đồ nến Heiken Ashi, nếu giá của mô hình nến HA phá vỡ đỉnh của mô hình tam giác, đây là tín hiệu cho biết mức giá tăng có thể sẽ được kéo dài. Ngược lại, nếu giá của mô hình nến HA phá vỡ đáy của mô hình tam giác, đây là tín hiệu của sự giảm về giá. Căn cứ vào mô hình tam giác trong biểu đồ nến Thanh Giá Trung Bình, nhà đầu tư có thể xem xét hành động của mình trong việc giao dịch chứng khoán để tránh những rủi ro về giá.

Cách sử dụng nến Heiken Ashi trong chứng khoán:

Thông thường, chúng ta sẽ có 2 cách để nhà đầu tư sử dụng mô hình nến Heiken Ashi trong việc dự đoán xu hướng. 

Dựa vào nến HA để vào lệnh mua:

  • Các nhà đầu tư cần phải nắm bắt và thực hiện hành động nhanh nhất có thể khi xác định được thị trường đang có xu hướng giảm dựa vào nến HA lúc này nhà đầu tư có thể thực hiện lệnh mua.
  • Nhà đầu tư nên chờ nến HA chuyển từ đỏ sang màu xanh, và lúc này nhà đầu tư cũng sẽ chờ thị trường nghiêng về Bull (Thị trường bò – giá cổ phiếu có xu hướng tăng) hơn Bear (Thị trường gấu – giá cổ phiếu có xu hướng giảm).
  • Khi bạn thấy cây nến BULL đầu tiên xuất hiện có phần đuôi dưới dài thì lúc này ở vùng hỗ trợ cứng sẽ có một lực bắt đáy vô cùng tốt.
  • Khi cây nến thứ 2 mở cửa, bạn nên vào lệnh mua ngay (lệnh BUY).
  • Nếu bạn phát hiện cây BEAR đầu tiên, hãy tiến hành việc chốt lời; và đặt lệnh cắt lỗ (STOP LOSS) ngay dưới cây nến BULL đầu tiên. 

Nếu nhà đầu tư tự mình thực hiện việc giao dịch chứng khoán trên sàn, bạn cần phải nắm rõ phương pháp và cách thức để khớp lệnh chứng khoán để việc giao dịch được thực hiện thành công.

Kết hợp nến HA cùng với nến Nhật và đường Stochastic:

Việc kết hợp nến HA, nến Nhật cùng với Stochastic là một phương pháp vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả mang lại rất cao, đồng thời cũng giúp các nhà đầu tư nắm bắt xu hướng thị trường một cách dễ dàng hơn.

Để sử dụng kết hợp 3 công cụ này, nhà đầu tư trước tiên cần phải:

  • Thực hiện lệnh mua (BUY) khi 2 đường Stochastic đều vượt mức 20 và thấy được 2 đồ thị của nến HA và nến Nhật đều cho tín hiệu đảo chiều giá tăng.
  • Nhà đầu tư hãy bán ra nếu thấy 2 đường Stochastic vượt xuống, cụ thể là dưới mức 80 và thấy 2 đồ thị của nến HA và nến Nhật đều cho tín hiệu đảo chiều giảm giá.

Kết luận

Nói tóm lại, qua bài viết này Yuanta hi vọng sẽ mở rộng thêm vốn kiến thức về nến Heiken Ashi cho các nhà đầu tư. Bạn có thể hiểu rõ hơn về tính chất và cách sử dụng mô hình nến này trong việc dự đoán xu hướng thị trường. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả và có nhiều giao dịch thành công, các nhà đầu tư cũng cần nên trang bị thêm cho mình những kiến thức cơ bản khác về thị trường chứng khoán. Trên đây là bài viết được chia se bởi công tu chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Miễn trừ trách nhiệm: Bài viết trên do các chuyên gia hợp tác với Yuanta Việt Nam tổng hợp và biên soạn, tuy nhiên chỉ mang tính tham khảo cũng như không đại diện hoàn toàn cho quan điểm của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam. Quý nhà đầu tư cân nhắc trước khi sử dụng thông tin này để ra quyết định đầu tư cũng như luôn tham khảo nhiều thông tin theo thời gian thực từ nhiều nguồn đa dạng. Chúc quý khách đầu tư thành công!