Vi phạm công bố thông tin, doanh nghiệp sẽ bị hạn chế gọi vốn | Yuanta Việt Nam
Flower
  • VN-Index

    1175.82

    -17.19 (-1.44%)
  • HNX-Index

    221.27

    -4.93 (-2.18%)
  • UPCOM-Index

    87.28

    -0.87 (-0.99%)
  • VN30-Index

    1194.34

    -16.4 (-1.35%)
  • VNDiamond

    1995.12

    -36.24 (-1.78%)
  • VNFinlead

    1910.29

    -26.8 (-1.38%)
  • VNMidcap

    1732.02

    -40.48 (-2.28%)
  • VNSmallcap

    1357.61

    -27.47 (-1.98%)
Trang chủTin tứcTin Nhà Đầu TưVi phạm công bố thông tin, doanh nghiệp sẽ bị hạn chế gọi vốn

12/04/2019 - 09:01

Vi phạm công bố thông tin, doanh nghiệp sẽ bị hạn chế gọi vốn

Nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ được bổ sung các chế tài nghiêm khắc. 

Tình trạng vi phạm còn nhiều, thậm chí “tái đi tái lại”

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong năm 2017 có 94 vụ vi phạm công bố thông tin, năm 2018 là 115 vụ, tăng 22%. Lỗi vi phạm chủ yếu là chậm nộp báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, chậm công bố các thông tin về thay đổi nhân sự, báo cáo phải kiểm toán. HOSE đã áp dụng biện pháp cảnh cáo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt đối với cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên HOSE có 12 cổ phiếu nằm trong diện bị cảnh báo (hiệu lực áp dụng từ tháng 2/2019), lý do chủ yếu liên quan đến kết quả kinh doanh thua lỗ, báo cáo có ý kiến ngoại trừ, vi phạm công bố thông tin (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai – mã QCG và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển KSH – mã KSH).

Đồng thời, có khoảng 10 cổ phiếu bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt (cổ phiếu chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần), hiệu lực áp dụng từ năm 2019, nguyên nhân xuất phát từ kết quả kinh doanh thua lỗ, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị âm. Trong đó, HOSE duy trì diện kiểm soát đặc biệt với cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương do Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Thực tế tình hình hiện nay

Trong diện cảnh báo, không ít cổ phiếu chưa thoát khỏi tình trạng này do lặp lại lỗi vi phạm công bố thông tin sau khi đã bị cảnh báo hoặc đến nay chưa có sự cải thiện nào như KAC của Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An, PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, JVC của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật…

Với các doanh nghiệp tái vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, một số nhà đầu tư không quan tâm tới quyết định xử phạt cũng như diễn biến giá cổ phiếu, bởi họ đã loại cổ phiếu đó ra khỏi danh mục xem xét đầu tư từ trước. Theo các nhà đầu tư này, mức xử phạt chưa đủ tính răn đe, doanh nghiệp không “sợ” nên mới có tình trạng “tái đi tái lại” như thế.

Nhưng với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì việc doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm công bố thông tin khiến họ lo lắng, vì giá cổ phiếu bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp đồng thời xuất hiện thông tin tiêu cực về hoạt động kinh doanh.

Lợi nhuận “bốc hơi” sau kiểm toán

Hiện thị trường chứng khoán đang vào mùa công bố báo cáo tài chính năm 2018 có kiểm toán và hé lộ dần kết quả kinh doanh quý I/2019. Kết quả kinh doanh quý đầu năm và định hướng kế hoạch 2019 đang được giới đầu tư trông ngóng.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại đang công bố báo cáo kiểm toán năm 2018 với con số doanh thu, lợi nhuận lệch hẳn so với báo cáo tự lập, giảm hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS) sau khi kiểm toán “bay” 815 tỷ đồng, còn 14.540 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) sau kiểm toán “bay” 79,9 tỷ đồng, còn 92,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC) chuyển từ lãi 35 tỷ đồng sang lỗ 35,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) “bốc hơi” 660 tỷ đồng doanh thu sau khi kiểm toán, do ghi nhận sai việc chuyển nhượng nhà máy vào doanh thu bán hàng…

Chế tài sẽ nghiêm khắc hơn

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, pháp luật sẽ có thêm một số quy định chặt chẽ hơn, chế tài cao hơn đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể, đối với tổ chức là doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, tùy hành vi và mức độ vi phạm sẽ có hình phạt bổ sung là không được phát hành chứng khoán trong một khoảng thời gian.

Với các doanh nghiệp ngoài sàn, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành chứng khoán ra công chúng sau một năm phải niêm yết/đăng ký giao dịch, nhưng có những doanh nghiệp không thực hiện việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung, mà lại nộp hồ sơ xin phát hành tiếp.

Trường hợp đó, bắt buộc doanh nghiệp phải lên sàn thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới cho phép phát hành.

Gỉai pháp khắc phục

Theo các nhà đầu tư, doanh nghiệp lên niêm yết chủ yếu là để huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Vì vậy, doanh nghiệp lập lờ thông tin, công bố thông tin không chuẩn, hoặc giấu giếm thông tin không tốt, là để trục lợi hoặc chờ đợi việc phát hành chứng khoán thành công. Do đó, cơ quan quản lý có thêm các quy định cụ thể, chặt chẽ thì sẽ hạn chế được tình trạng trên. Các doanh nghiệp muốn phát hành sẽ phải có ý thức cao hơn trong việc công bố thông tin ra công chúng đầu tư.

Đối với khối công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, mức phạt có thể là tạm dừng hoạt động, bên cạnh đó bổ sung hình phạt đối với lãnh đạo đơn vị và cá nhân hành nghề.

Lãnh đạo đơn vị vi phạm nghiêm trọng sẽ có hình phạt như cấm tham gia hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát. Cá nhân hành nghề có thể sẽ bị treo hoặc tịch thu vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề.

Về mức phạt tiền dành cho đối tượng có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hiện tại, mức phạt đối với tổ chức tối đa là 2 tỷ đồng, dự kiến Luật Chứng khoán mới sẽ nâng lên 3 tỷ đồng, mức phạt đối với cá nhân sẽ nâng từ 1 tỷ đồng lên 1,5 tỷ đồng.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn