12/07/2022 - 11:28
Asset là gì? Ý nghĩa và giải thích về tài sản
Asset mang nghĩa tài sản là một thuật ngữ được dùng phổ biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc hiểu được asset là gì và vai trò của tài sản trong doanh nghiệp sẽ giúp cho nhà quản trị xác định được nguồn lực mà mình đang sở hữu. Từ đó tìm cách tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu tư vào tài sản một cách hợp lý.
Asset là gì?
Asset (tài sản) được hiểu là các nguồn lực hữu hình hoặc vô hình gồm các vật, tiền, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định và có khả năng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong tương lai.
Tài sản doanh nghiệp được báo cáo trong bảng cân đối kế toán được thể hiện dưới dạng vật chất (tài sản hữu hình). Với những tài sản không thể hiện dưới dạng vật chất (tài sản vô hình) thường không được mua bán hay giao dịch. Vì vậy sẽ không được liệt kê là tài sản trên bảng cân đối kế toán.
- Tài sản hữu hình: đất đai, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, hàng hóa, phương tiện vận chuyển…
- Tài sản vô hình: tên thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, bằng phát minh, sáng chế, nhãn hiệu…
Nắm rõ tài sản hữu hình hay vô hình trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh giúp cho bạn có cái nhìn tổng quan hơn về tài sản mà doanh nghiệp sở hữu. Từ đó nhà quản trị tìm cách để nâng cao cách thức sử dụng và quản lý tài sản một cách hiệu quả.
Vai trò của tài sản trong doanh nghiệp
Sau khi hiểu được asset là gì? Bạn đã phần nào nhận thấy được tài sản là một yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động và quản lý doanh nghiệp. Vậy cụ thể tầm quan trọng của tài sản được thể hiện như thế nào? Sau đây là một số vai trò của tài sản trong doanh nghiệp
Tài sản là yếu tố đại diện cho nguồn lực kinh tế cho một doanh nghiệp. Nó thuộc quyền được doanh nghiệp sở hữu và kiểm soát. Với mục đích đảm bảo tạo ra được lợi ích tối ưu trong quá trình hoạt động kinh doanh.Vì vậy, bất kể là doanh nghiệp với quy mô từ nhỏ đến lớn đều cần sở hữu nguồn tài sản nhất định.
Tài sản còn có thể được xem là một sản phẩm có khả năng tạo ra dòng tiền vào trong tương lai. Đồng thời giúp giảm thiểu chi phí và dòng tiền ra góp phần làm tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Vì vậy đối với tài sản hiện có, mỗi doanh nghiệp cần phải xác lập quyền sở hữu kể từ ngày lập báo cáo tài chính.
Về mặt pháp lý thì tài sản của một doanh nghiệp bắt buộc phải thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Tuy nhiên theo kế toán thì một số thứ không thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhưng vẫn được ghi nhận là tài sản trên bảng cân đối kế toán. Ví dụ như công ty bạn thuê 5 chiếc ô tô để vận chuyển hàng hóa. Ô tô đó không thuộc sở hữu của bạn nhưng vẫn được xem là tài sản.
Phân loại tài sản
Phân loại tài sản là cách mà kế toán thực hiện để quản lý tài sản một cách hiệu quả và dễ dàng hơn. Trên thực tế có nhiều cách để phân loại tài sản trong doanh nghiệp. Trong đó cách thức phổ biến được sử dụng là phân loại theo thời gian thành 2 hình thức là tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.
Tài sản ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn (Short-term assets) là những tài sản có thời gian chuyển đổi thành tiền trong vòng một năm (hoặc một chu kỳ kinh doanh). Đặc trưng của những tài sản này là thường có giá trị thấp và thời gian sử dụng ngắn.
Các loại tài sản ngắn hạn bao gồm:
- Tiền: Gồm tiền mặt (tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ), tiền gửi ngân hàng, tiền đang được lưu chuyển và các khoản tương đương tiền (vàng, bạc ,đá quý…)
- Khoản thu ngắn hạn: Là tài sản hợp pháp của doanh nghiệp. Hiện đang bị những đối tượng khác tạm thời chiếm giữ một cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Gồm các khoản mục như khoản phải thu trong nội bộ, khoản phải thu, khách hàng, khoản trả trước người bán…
- Hàng tồn kho: Là những loại tài sản được dự trữ cho sản xuất hoặc chờ để bán trong kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Thường có như nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm, bán thành phẩm, hàng gửi đi bán.
- Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: Là những khoản đầu tư với thời gian thu hồi vốn trong vòng 1 năm như: cho vay ngắn hạn, góp vốn liên doanh hay đầu tư chứng khoán ngắn hạn…
- Tài sản ngắn hạn khác: tài sản thế chấp, ký cược hoặc ký quỹ ngắn hạn…
Tài sản dài hạn
Tài sản dài hạn (Long-term assets) là những tài sản có thời gian chuyển đổi thành tiền trong khoảng thời gian trên một năm (hoặc một chu kỳ kinh doanh). Tài sản dài hạn thường bao gồm những loại sau:
Tài sản cố định
Tài sản cố định là những loại tài sản mang giá trị lớn và thời gian sử dụng lâu dài (trên 1 năm) và có thể bị hao mòn qua thời gian sử dụng. Trong tài sản cố định được chia làm 2 loại
- Tài sản cố định hữu hình nhà cửa, đồ nội thất, máy móc, trang thiết bị, các phương tiện vận tải, các thiết bị…
- Tài sản cố định vô hình: phát minh sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, quyền sử dụng đất…
Đầu tư tài chính dài hạn
Đầu tư tài chính dài hạn là các khoản đầu tư sinh lời bên ngoài với thời gian thu hồi từ 1 năm trở lên. Ví dụ đầu tư vào các công ty con hay góp vốn cho vay dài hạn.
Các khoản phải thu dài hạn
Đây là tài sản hợp pháp của doanh nghiệp hiện đang bị các đối tượng khác chiếm giữ với thời hạn trên 1 năm. Thường bao gồm: các khoản phải thu dài hạn của khách hàng, nội bộ, khoản phải thu khoản cho vay dài hạn…
Bất động sản đầu tư
Bất động sản đầu tư bao gồm tất cả các bất động sản mà doanh nghiệp đang giữ như nhà, đất đai… kiểm soát để cho thuê hoặc chờ lúc tăng giá bán kiếm lợi nhuận
Tài sản dài hạn khác
Ngoài những tài sản đã liệt kê ở thì còn có các loại được xem như tài sản dài hạn. Trong đó phải kể ra như chi phí trả trước, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang, ký quỹ dài hạn,…
Ý nghĩa của việc xác định asset?
Hiểu được asset là gì là một trong những nhiệm vụ mà mỗi nhà đầu tư hay nhà quản trị doanh nghiệp đều phải nắm rõ. Xác định được asset gồm những gì là cơ sở cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sử dụng tài sản một cách hiệu quả.
Từ đó mà quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiến hành bình thường với hiệu quả kinh tế cao nhất.Thực hiện mục tiêu cốt lõi là tối đa hóa lợi nhuận. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và làm tăng giá trị tài sản của chủ sở hữu.
Kết luận
Asset là gì là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư kinh doanh trên thị trường. Việc xác định được tài sản doanh nghiệp một cách rõ ràng và cụ thể là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Bởi đây chính là cơ sở để doanh nghiệp quản lý và vận hành hoạt động kinh doanh của mình hiệu quả và thu lợi nhuận.