Giải thích khái niệm “vùng trũng”, ông Tâm cho rằng đây là đánh giá chung của nhiều nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường Việt Nam. Nó hàm nghĩa là đích đến của dòng chảy vốn.

Mặt khác, ở nghĩa bóng, ông Tâm cho rằng đôi khi còn là vì quy mô nhỏ, so sánh với các thị trường khác thì quá khiêm tốn. Nhưng chính vì quy mô nhỏ mà dư địa để phát triển và nâng hạng lại đang còn rộng, sẽ hấp dẫn ngày càng nhiều hơn các dòng tiền chảy đến, nên tiềm năng thị trường lại càng được đánh giá cao.

Sàn chứng khoán Yuanta trong phiên giao dịch 17/10/2018 – một phiên phục hồi của Vn-Index với giá trị giao dịch khớp lệnh khoảng 4.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm:

– Ông nhận định như thế nào về diễn biến thị trường trong thời gian tới, khi những biến động của thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang tỏ ra có ảnh hưởng tới Việt Nam?

Ông Lê Minh Tâm: Trong ngắn hạn, tôi cho rằng thị trường Việt Nam khó có thể giảm sâu. Bởi vì không có lý do để tác động khiến thị trường suy giảm mạnh. Hiện kinh tế vĩ mô Việt Nam rất tích cực với tăng trưởng GDP mạnh và đảm bảo đạt được mục tiêu từ 6,8% /năm. Lãi suất của hệ thống ngân hàng vẫn đang khá ổn định và tăng trưởng tín dụng chậm hơn – như một tín hiệu tích cực đối với việc kiểm soát lạm phát mà vốn vẫn cung ứng cho nền kinh tế. Chỉ có một yếu tố khó kiểm soát được là liệu đồng Nhân dân tệ (Yuan, CNY) có thể trở thành một ẩn số công cụ để ứng phó với các chính sách thuế quan mới của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay không. Và kể cả trong trường hợp ẩn số đó trở thành hiện thực, thì để tác động, cũng cần thời gian. Có thể nói thị trường có những thời điểm rung lắc trong giai đoạn hiện nay, là do tâm lý phản ứng thái quá. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tất nhiên, cho rằng đây sẽ là cơ hội cho những quyết định sinh lời.
Cũng phải nói thêm là với tác động của chứng khoán Mỹ thì đôi khi chúng ta quên mất rằng Dow Jones đã có 2 năm tăng trưởng rất mạnh. Ngay cả trong giai đoạn xuất hiện các phiên bốc hơi xấp xỉ cả nghìn điểm, thì Dow Jones vẫn xen kẽ có nhiều phiên tăng cao (16/10, Dow Jones đã tăng hơn 500 điểm -PV).

– Như vậy thì ngoại trừ yếu tố chính sách lãi suất của Fed, lo ngại trader-war của nhà đầu tư, việc điều chỉnh của chỉ số Dow Jones, nhìn từ góc độ tác động tới Việt Nam, có thể hiểu là sẽ được thị trường “miễn nhiễm” dần, giảm độ gây sốc?

Nếu một ngày mà Vn-Index giảm tới 5%, hay tăng tới 5%- cứ dao động trong “biên độ” đó, tôi cho rằng đó là trạng thái bình thường. Ở mức giảm 5%, nhà đầu tư sẽ lập tức mua, tranh thủ cơ hội. Ở mức tăng 5%, cũng chưa hẳn là mức quá cao nhưng nhà đầu tư cũng sẽ bán. Những biến động ở mức như vậy như đã nói, là cơ hội để nhà đầu tư kiếm lời, bởi xuống không quá nhiều để sợ, cũng không tăng quá cao để tham.

 Yuanta là công ty chứng khoán có hơn 99% cổ phần thuộc Tập đoàn Yuanta Đài Loan. Như nhiều nhà đầu tư châu Á đến từ xứ Đài hay Hàn Quốc đang đổ vốn vào thị trường này, ông có cho rằng vốn ngoại đã, đang là nhân tố góp phần thay đổi dần cuộc chơi của chứng khoán Việt? Và nếu có, sẽ là sự thay đổi theo hướng nào? Các dòng vốn này có bền vững?

Ở Đài Loan, Yuanta là công ty chứng khoán số 1 thị trường. Chúng tôi hoạt động cả ở chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…và slogan của Tập đoàn là “We know Asia” – Có nghĩa là “Chúng tôi biết châu Á”. Theo đó, Yuanta đặt tầm nhìn về trung tâm tài chính khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và không thể ‘bỏ qua” vùng Đông Nam Á.

Trên thực tế, Yuanta đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ rất lâu, khi là một trong 3 cổ đông chính của Tập đoàn Kim Eng – đối tác nước ngoài của CTCK Kim Eng Việt Nam (hiện nay là Maybank Kim  Eng Việt Nam SC). Tôi là nhà sáng lập đồng thời từng là Tổng Giám đốc của Kim Eng VN SC. Khi Tập đoàn Tài chính Maybank từ Malaysia chào mua công khai Kim Eng, ba cổ đông chính của Kim Eng trong đó có Yanta đã bán lại cổ phần.

Tới 2018, Yuanta hoàn tất mua Công ty Chứng khoán Đệ Nhất và đổi tên. Tập đoàn đã  tăng vốn tại Yuanta Việt Nam từ 300 tỷ lên 1.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn trong năm 2019. Như vậy, trong cả tầm nhìn, chiến lược và hành động đầu tư, Yuanta đều thể hiện rằng: Việt Nam là một thị trường quan trọng của khu vực châu Á -Thái Bình Dương và sẽ gắn bó dài lâu với thị trường này.

Lẽ dĩ nhiên, với kinh nghiệm đi trước, kinh doanh ở những thị trường phát triển sớm, lớn hơn quy mô hiện tại của Việt Nam, không chỉ Yuanta Việt Nam mà các CTCK nước ngoài đều sẽ mang kiến thức, công nghệ, đặc biệt là tập quán quản trị và kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế vào thị trường Việt Nam. Điều đó, sẽ thay đổi rất nhiều bức tranh thị trường, đặc biệt là việc thay đổi chất lượng dịch vụ các công ty chứng khoán trên thị trường, giúp phát huy vai trò của mình tốt hơn, có nhiều cơ hội phát triển, phục vụ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; qua đó, cũng góp phần nâng tầm của thị trường chứng khoán Việt.

– Điều gì theo ông, khiến các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính ngoại sẵn sàng “đi dài lâu” cùng chứng khoán Việt Nam?

Dù quy mô còn khiêm tốn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu trong những năm qua. Sự tăng trưởng đó bao gồm cả sự kiện toàn chính sách, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường, số lượng hàng hóa (doanh nghiệp) niêm yết và cả các sản phẩm phục vụ thị trường…Tuy nhiên, hiện nay trong nền kinh tế, có rất nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết, nhiều công ty chưa có mặt trong market cap – góp vào giá trị vốn hóa thị trường. Trong khi đó, các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp cũng đã cải thiện trong nhiều năm. Ngày càng có nhiều hơn các công ty đặt lộ trình, sẵn sàng thu hút vốn để thay đổi doanh nghiệp, để niêm yết. Rõ ràng thị trường Việt rất tiềm năng, hứa hẹn đối với các nhà đầu tư.

–  Xin cảm ơn ông!