06/11/2023 - 13:43
Thể chế kinh tế là gì? Phân loại và chức năng thể chế kinh tế
Các doanh nghiệp hay người làm kinh doanh bắt buộc phải hiểu rõ thể chế kinh tế là gì. Nắm được khái niệm, quy luật vận hành các mô hình và vai trò của thể chế kinh tế trong nước là điều cực kỳ quan trọng.
Thể chế kinh tế là gì?
Thể chế kinh tế (Economic institutions) hiểu đơn giản là hệ thống quy tắc mà các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ phải tuân theo khi thực hiện các hoạt động kinh tế. Đây cũng là cơ chế phân phối tài nguyên, thị trường, quản lý tài sản trong kinh doanh.
Một thể chế kinh tế sẽ bao gồm quy định chặt chẽ về các mối quan hệ và hoạt động kinh tế. Quy định này có thể được soạn thảo qua văn bản hoặc là luật bất thành văn mà các chủ thể đều ngầm hiểu.
Thể chế kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của quốc gia. Một thể chế tốt sẽ tạo động lực để doanh nghiệp phát triển, thu hút vốn đầu tư, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Thể chế kinh tế bảo đảm sự ổn định của hệ thống chính trị quốc gia.
Muốn biết một quốc gia theo thể chế kinh tế nào có thể quan sát các chủ thể tham gia vào nền kinh tế và các quy định liên quan. Một nhân tố quan trọng của thể chế chính là luật pháp. Đây được coi là “luật chơi” của nền kinh tế.
Các thể chế kinh tế phổ biến
Trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình thể chế kinh tế khác nhau. Từng mô hình sẽ có những đặc điểm riêng biệt. Lựa chọn thể chế nào sẽ phụ thuộc vào chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của quốc gia.
Thể chế kinh tế thị trường
Thể chế kinh tế thị trường vận hành dựa trên việc tập trung tài sản vào tay các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Những hoạt động kinh tế, giao dịch của cá nhân, doanh nghiệp đó được điều chỉnh bằng các quy tắc, luật lệ trên thị trường.
Thể chế kinh tế thị trường có 3 mô hình với nhiều điểm khác biệt đó là kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội và mô hình nhà nước phát triển.
Thể chế kinh tế thị trường tự do hầu hết các mối quan hệ kinh tế đều được giải quyết thông qua thị trường và không có sự can thiệp từ nhà nước. Đối với mô hình này, các quy tắc sẽ có lợi cho chủ doanh nghiệp hơn người lao động nên không được đánh giá cao.
Dạng mô hình biến thể từ kinh tế thị trường tự do đó là kinh tế thị trường xã hội. Mô hình này coi trọng vai trò của nhà nước và gắn thị trường với kinh tế, xã hội, chính trị. Kinh tế thị trường xã hội tiến bộ ở chỗ coi nhà nước, pháp luật, đạo đức cũng quan trọng như thị trường.
Mô hình nhà nước phát triển phù hợp với chiến lược kinh tế dài hạn. Trong đó, nhà nước đóng vai trò chủ yếu đề ra chính sách giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ hơn.
Thể chế kinh tế truyền thống
Đây là mô hình thể chế đã xuất hiện từ thời công xã nguyên thủy. Đặc điểm của thể chế này đó là người có quyền lực sẽ sở hữu nhiều tài sản hơn và có quyền quyết định các hoạt động kinh tế.
Mô hình này có tên gọi khác là kinh tế tự nhiên. Một người sở hữu nhiều tài sản có khả năng hạn chế hoạt động kinh tế của người khác. Nền kinh tế tự cung tự cấp cũng là biểu hiện của thể chế kinh tế truyền thống. Mô hình này đã lỗi thời so với kinh tế thị trường.
Thể chế kinh tế hỗn hợp
Mô hình thể chế hỗn hợp là sự pha trộn của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Thể chế này vừa có các quy tắc bảo vệ tài sản của tư nhân vừa để chính phủ can thiệp vào hoạt động kinh tế. Kinh tế hỗn hợp có sự linh hoạt, cho phép nền kinh tế giữ được tính cạnh tranh và phát triển với sự hỗ trợ từ chính phủ.
Việt Nam theo thể chế kinh tế nào?
Việt Nam là quốc gia theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình này nhà nước và cá nhân hay tổ chức đều có vai trò quan trọng như nhau trong việc phát triển nền kinh tế. Nhà nước sẽ có vai trò điều tiết các hoạt động kinh doanh và đảm bảo xã hội công bằng.
Đây là thể chế mới với những ưu điểm vượt trội. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giúp các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Mô hình cũng tạo động lực để người dân làm việc, hạn chế tình trạng thất nghiệp. Đây được xem là bước phát triển vượt bật của nước ta khi đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng có một vài điểm hạn chế. Nếu chính phủ không sớm đề ra chính sách điều tiết hoạt động kinh doanh trên thị trường sẽ dễ dẫn đến mất cân bằng cung cầu, phân hóa giàu nghèo hoặc lạm phát.
Vai trò của thể chế kinh tế
Một quốc gia không thể nào thiếu đi thể chế kinh tế. Đây được ví như trụ cột chính giúp quốc gia phát triển thịnh vượng bởi những vai trò quan trọng sau:
Tạo nền tảng kinh tế vững chắc
Thể chế kinh tế đóng vai trò như xương sống trong kinh tế của một quốc gia. Áp dụng thể chế phù hợp giúp tạo môi trường kinh doanh khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi của chủ thể kinh tế. Quốc gia có nền tảng kinh tế vững chắc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Bảo vệ quyền lợi các chủ thể
Thể chế kinh tế bao gồm hệ thống pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia kinh tế. Thể chế đủ tốt sẽ đảm bảo quyền lợi giúp chủ thể phát triển tối đa. Bên cạnh đó cũng tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể. Đất nước không có thể chế kinh tế sẽ trở nên cực kỳ hỗn loạn, không thể giải quyết tranh chấp phát sinh từ các chủ thể.
Khi được bảo đảm lợi ích, các chủ thể cũng sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình để đóng góp cho sự phát triển xã hội. Điều này tạo sự cân bằng, ổn định xã hội.
Kiểm soát các nguồn lực
Thể chế kinh tế giúp kiểm soát các nguồn lực trên thị trường hiệu quả và thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo ra việc làm, tăng thu nhập của người dân. Các nguồn lực của thể chế kinh tế bao gồm, nguồn lực con người, tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia, vốn, thị trường.
Kiểm soát các nguồn lực này sẽ giúp xã hội công bằng, giảm thiểu bất bình đẳng khi phân phối nguồn lực.
Tạo động lực cạnh tranh
Thể chế kinh tế thị trường và hỗn hợp tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể. Không như thể chế truyền thống một người sở hữu nhiều tài sản hơn sẽ kiểm soát hầu hết hoạt động kinh doanh. Người có ít tài sản sẽ bị kìm hãm và không có nhiều cơ hội phát triển.
Thể chế mới giúp tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các chủ thể. Dù bạn nắm giữ bao nhiêu tài sản cũng có thể tham gia vào nền kinh tế. Lúc này thể chế kinh tế đóng vai trò trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của một quốc gia.
Thể chế kinh tế là gì và các mô hình thể chế đã được Yuanta Việt Nam giải đáp qua bài viết này. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần nắm được thể chế kinh tế của quốc gia để tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.