09/06/2022 - 10:14
Bài toán quản trị rủi ro trong kinh doanh – Sai lầm và phòng ngừa
Quản trị rủi ro là khái niệm cũ nhưng mới, bởi không phải ai cũng nắm chắc nó và thực hành chính xác. Đây là hiện trạng đáng báo động với các doanh nghiệp Việt, bởi vai trò này thuộc về những người “cầm trịch” hoạt động kinh doanh. Vậy cụ thể, khái niệm này là gì và tại sao có sự khó khăn trong việc thực hiện? Đâu là những cách phòng ngừa, quản lý hiệu quả nhất mà bạn cần biết?
Quản trị rủi ro là gì?
Quản trị rủi ro là quá trình xác định nguyên nhân, phân loại, phân tích và đánh giá các rủi ro có thể xảy ra với hoạt động kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra cách giải quyết, kiểm soát và giám sát phù hợp để tránh ảnh hưởng đến tình hình phát triển. Theo nhiều người nhận định, chỉ khi quản trị tốt rủi ro, doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh và bền vững, ngày càng phát triển.
>>> Xem thêm: Khẩu vị rủi ro – Lợi ích và các bước để xác định khẩu vị rủi ro
Vậy như thế nào là rủi ro trong doanh nghiệp? Đây là thuật ngữ chỉ một sự kiện hoặc tình huống có thể xảy ra hoặc không nhưng mang theo ý nghĩa tiêu cực. Nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tổ chức đó, gây thiệt hại về người và của. Mặc dù mang theo hàm ý không chắc chắn, rủi ro vẫn là khái niệm khiến các nhà lãnh đạo e sợ bởi một khi xảy ra sẽ để lại hậu quả.
Rủi ro có thể được phòng ngừa triệt để hoặc giảm thiểu tác động một phần. Muốn thế, bạn cần nắm được các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản trị rủi ro, bao gồm quy mô doanh nghiệp, năng lực lãnh đạo, cơ cấu hoạt động. Chỉ khi hiểu rõ từng yếu tố và nhận định được đâu là điều cần tránh và cần làm, bạn mới lèo lái doanh nghiệp phát triển lâu dài, vững chãi.
Ví dụ về quản trị rủi ro trong kinh doanh
Chắc hẳn, bạn không còn xa lạ với thương hiệu Coca Cola với sản phẩm chính là nước giải khát. Tưởng chừng như đế chế này sẽ luôn đứng ở đỉnh cao danh vọng nhưng không may, chiến lược marketing sai lầm đã khiến họ trả giá. Đây là một trong những ví dụ về quản trị rủi ro kinh điển, được mang ra làm bài học ở rất nhiều lớp đào tạo kinh tế.
Sự ra đời của Pepsi đã khiến Coca Cola cảm thấy e sợ, khi thị phần của họ giảm thiểu rõ rệt. Với tình hình này, ban lãnh đạo đã chọn cách tạo ra một phiên bản nước giải khát mới với vị New Coke, thay thế Coke nguyên bản. Kết quả, New Coke bị tẩy chay mạnh mẽ đến mức Coke nguyên bản phải được sản xuất lại.
Sai lầm này xuất phát từ hai nguyên nhân: Chọn thử nghiệm sai cách và mắc bẫy cạnh tranh của Pepsi. Thứ nhất, họ cho khách hàng thử hương vị nhưng không công bố thương hiệu, khiến người dùng chỉ đánh giá vào cảm nhận thay vì cảm xúc. Thứ hai, chiến lược của họ bị khách hàng xem là “ăn theo” Thử thách Pepsi nên càng làm làn sóng tẩy chay lan rộng.
Coca Cola đã quá xem nhẹ thói quen mua sắm, sự trung thành của người tiêu dùng. Đa số mọi người chọn Coke nguyên bản vì nó thân thuộc, và họ là người yêu mến Coca Cola. Đây là bài học mà không chỉ nhà sản xuất này mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải ghi nhớ.
Tại sao cần quản trị rủi ro?
Khái niệm quản trị rủi ro tồn tại từ rất lâu nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp thụ động khi có tình huống nào đó xảy ra, dẫn đến thiệt hại. Vì thế, nếu muốn phát triển, bạn nhất định phải nắm chắc lý do tại sao cần có hoạt động này. Cụ thể, những lợi ích của quá trình quản trị rủi ro mang đến cho doanh nghiệp bao gồm:
Giúp doanh nghiệp có thể đưa ra những chiến lược đúng đắn
Nếu bạn dự đoán được rủi ro có thể xảy ra, kế hoạch kinh doanh của bạn sẽ đúng đắn hơn. Chẳng hạn như ví dụ về chiến lược của Coca Cola phía trên, chính vì dự đoán sai sức ảnh hưởng của Pepsi mà các nhà lãnh đạo đã định hướng sai. Kết quả, họ nhận lại phán xét không tốt của người dùng và mất đi một lượng khách hàng đáng kể.
Vị trí thực hiện công việc quản trị rủi ro là các nhà lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp. Đây là những người nắm vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng hướng để có vị thế vững chắc. Vì vậy, hiểu và thực hành đúng việc nhận dạng và phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra, chiến lược đề xuất mới chính xác. Chính vì lẽ đó mà những cá nhân này phải có trình độ quản lý thuộc hàng ưu.
Giúp chủ động ứng phó đối với những rủi ro chắc chắn sẽ đến
Có những rủi ro có thể xảy ra hoặc tự biến mất vì thay đổi điều kiện khách quan. Nhưng cũng có những rủi ro chắc chắn sẽ đến. Nhiệm vụ của bạn là phải đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của nó và có kế hoạch dự phòng. Mặc dù thông thường không được khuyến khích, nhưng trong tình huống này bạn phải nghĩ đến tình huống xấu nhất để luôn ở trong thế chủ động.
Hạn chế sử dụng lãng phí ngân sách trong đầu tư
Xây dựng kế hoạch ứng phó rõ ràng mang đến hai lợi ích về tài chính: Dự đoán được ngân sách phòng ngừa và hạn chế lãng phí tiền bạc. Nếu có sự chuẩn bị sẵn, bạn sẽ biết nên sử dụng nguồn quỹ như thế nào cho việc giải quyết hậu quả rủi ro thay vì mất định hướng và dùng sai cách. Việc dự đoán trước ngân sách cũng là cơ sở để doanh nghiệp có kế hoạch trích lập dự phòng phù hợp.
Là một công cụ hiệu quả trong việc đầu tư kinh doanh
Nhận dạng và đánh giá rủi ro còn mở ra cơ hội đầu tư phát triển cho doanh nghiệp. Theo đó, bạn có thể xác định hướng đi nào ít nguy cơ tiềm ẩn hơn để tránh và có hướng khác phù hợp. Việc chủ động trong ngân sách, nguồn lực còn tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm đến các dự án tốt hơn trong tương lai. Thay vì “sợ bóng sợ gió”, bạn sẽ tự tin hơn khi đối mặt và nắm bắt cơ hội mới.
Các bước quản trị rủi ro
Từ khái niệm và lợi ích, chắc hẳn bạn đã có cái nhìn tổng quan và đa chiều hơn về việc quản trị rủi ro. Lúc này, bạn hãy bắt tay vào việc nghiên cứu thị trường và tình hình doanh nghiệp để dự đoán và có biện pháp ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn. Chúng vẫn luôn tồn tại và chỉ cần có tác nhân phù hợp có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bạn.
Xác định nguyên nhân dẫn đến rủi ro
Ban lãnh đạo phải là người dự đoán được tất cả các trường hợp có thể xảy ra từ các yếu tố sẵn có. Đó có thể là phân khúc khách hàng, tình hình cạnh tranh, khả năng tài chính. Mỗi lĩnh vực đều cần được phân định và đánh giá cụ thể mới xác định chính xác nguyên nhân xảy ra rủi ro.
Việc nhận dạng để quản trị rủi ro không được thực hiện một cách sơ sài mà phải thật sự nghiêm túc, chặt chẽ. Bản thân mỗi người lãnh đạo luôn phải nắm bắt được tình hình chung của doanh nghiệp cũng như lĩnh vực mình phụ trách. Giữ vững tư thế sẵn sàng, chủ động cũng là điều mà người quản lý phải làm.
Phân loại rủi ro
Từ việc nhận dạng, bạn hãy sắp xếp các rủi ro thấy được vào các mục phân loại khác nhau. Thông thường sẽ có các loại rủi ro gồm khách quan – chủ quan, bên trong – bên ngoài, nhân lực – máy móc, tài chính, thương hiệu, năng suất. Bạn hãy cân nhắc kỹ lưỡng để phân định phù hợp. Chỉ có nhận dạng đúng mới đưa ra được phương án phòng ngừa hiệu quả, tránh thiệt hại tối đa.
Phân tích và đánh giá rủi ro
Có nguyên nhân, bạn dễ dàng trong việc phân tích và đánh giá mức độ ảnh hưởng của một sự kiện, tình huống có thể xảy ra nào đó. Đây là bước quản trị rủi ro bạn nhất định không được bỏ qua nếu muốn luôn ở trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”.
Đầu tiên, bạn cần xác định xem rủi ro đó có chấp nhận được hay không, tầm ảnh hưởng ra sao. Nếu cần phải phòng ngừa thì nên làm gì, giải quyết có triệt để hay không và liệu có hậu quả sót lại. Cuối cùng, bạn tính xác suất một vấn đề nào đó xảy ra là bao nhiêu để xem nên phòng cái nào trước, cái nào sau. Bạn cần nắm được tình hình doanh nghiệp và cũng phải có tầm nhìn rộng lớn.
Đưa ra phương án xử lý và ứng phó
Nghĩ cách ứng phó, giải quyết một vấn đề chưa xảy ra thực sự không hề dễ dàng. Tuy nhiên, không phải vì khó mà bạn được quyền bỏ qua việc này. Từ kết quả phân tích và đánh giá rủi ro, bạn phải chắc chắn rằng mình sẽ lên kế hoạch hiệu quả, có thể sẵn sàng đương đầu với nó. Vì lợi ích chung của công ty, tất cả cổ đông nội bộ và bên ngoài đều cần được tham gia để tham vấn, đề xuất ý kiến.
Hiện nay, có ba phương pháp xử lý trong quản trị rủi ro phổ biến nhất là chấp nhận, chuyển giao và né tránh. Tùy vào khả năng của doanh nghiệp mà bạn có thể chọn một trong ba cách, chọn việc mình tự đối đầu hay chuyển giao trách nhiệm lên đơn vị thứ ba. Hoặc bạn có thể chọn bỏ qua rủi ro bằng cách dừng dự án có chứa nguy cơ tiềm ẩn, dù vậy bạn sẽ mất đi cơ hội phát triển của mình.
Giám sát rủi ro
Khi đã biết một nguy cơ nào đó có thể xảy ra, bạn hãy giám sát nó. Bạn nên sử dụng công cụ hoặc có nhân lực hỗ trợ để cập nhật tình hình thường xuyên. Một yếu tố tác động nào đó thay đổi cũng có thể ảnh hưởng đến quy mô của rủi ro. Bạn có thể nương theo sự thay đổi này để có kế hoạch giảm thiểu thiệt hại phù hợp hoặc chớp thời cơ triệt tiêu nó.
Một số bí quyết phòng ngừa, quản lý rủi ro trong đầu tư
Thông thường, rủi ro rất khó giải quyết triệt để rủi ro nào đó, bởi nó luôn vận hành cùng thị trường. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhìn thấy trước và tìm cách giảm thiểu tác hại của nó. Đây cũng là mục đích chính của quản trị rủi ro trong đầu tư doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo một số bí quyết dưới đây để giữ hoạt động kinh doanh luôn đi đúng hướng.
Nhờ sự hỗ trợ từ công nghệ
Công nghệ phát triển mang đến rất nhiều lợi ích, trong đó có việc phát triển các phần mềm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, vận hành doanh nghiệp. Với quản trị rủi ro, bạn có thể tham khảo và sử dụng công cụ hỗ trợ, tránh mất thời gian trong việc thống kê. Nhờ có nó, bạn cũng nhanh chóng nhìn thấy biến đổi quan trọng và từ đó đưa ra kế hoạch giải quyết phù hợp.
Tham khảo ý kiến chuyên gia
Nhiều chủ doanh nghiệp thường e ngại sử dụng dịch vụ của bên thứ ba trong quản trị rủi ro vì vấn đề bảo mật và chi phí. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có lợi nếu bạn thực sự chưa có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực. Trên thị trường có rất nhiều đơn vị uy tín hỗ trợ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của bạn với giá thành phải chăng nên đừng lo lắng.
Mua bảo hiểm
Đây là phương pháp chuyển giao rủi ro được rất nhiều doanh nghiệp thực hiện. Bằng việc ký một hợp đồng bảo hiểm, bạn có thể chuyển giao một phần hoặc toàn bộ rủi ro cho bên thứ ba. Khi có vấn đề phát sinh, bạn sẽ được tổ chức này bồi thường dựa trên mức phí đóng trước đó, vô cùng tiện lợi.
Những sai lầm khi quản lý rủi ro trong doanh nghiệp
Quá trình quản trị rủi ro không đạt hiệu quả không chỉ vì bạn lên kế hoạch chưa sát sao mà còn vì phương pháp thực hiện chưa đúng. Theo chuyên gia từ Yuanta Việt Nam, đa số các nhà lãnh đạo thất bại trong việc nhận định và giải quyết rủi ro vì những sai lầm sau:
Áp dụng các biến cố trong quá khứ để quản lý rủi ro trong tương lai
Học hỏi và rút kinh nghiệm từ quá khứ là tốt, nhưng không có nghĩa là “bê nguyên si” những gì đã làm trước đó vào tình huống hiện tại. Thị trường luôn vận động, và vì thế rủi ro cũng sẽ biến đổi dù nhìn tổng quan nó có thể giống với sự kiện trong quá khứ. Mỗi giai đoạn, bạn cần có cách giải quyết khác nhau để đảm bảo phù hợp thời thế, không nên áp đặt những điều đã lạc hậu.
Không nghe theo những điều được cho là “không nên”
Con người thường dễ dàng nhìn nhận những điều không nên làm hơn là nên, nhưng lại thường làm theo hướng ngược lại. Nhìn vào một rủi ro nào đó, bạn có thể nhanh chóng nhận thấy minh không nên làm gì để tránh khuếch đại nó, nhưng lại rất khó biết được nên làm gì. Chính vì thế mà bạn đừng bao giờ bỏ qua những lời khuyên về việc không nên làm khi quản trị rủi ro.
Không có câu trả lời chính xác cho những rủi ro
Rủi ro chịu tác động của nhiều yếu tố, chính vì thế mà nó luôn biến đổi linh hoạt. Bạn phải thường xuyên cập nhật những yếu tố này để có được đánh giá chính xác về nguy cơ tiềm ẩn nào đó. Không bao giờ có câu trả lời chính xác cho rủi ro, đặc biệt là thời điểm xảy ra và mức độ ảnh hưởng. Bạn phải luôn là người bao quát được mọi vấn đề để luôn có cái nhìn thức thời nhất.
Quản trị rủi ro không phải việc đơn giản, nếu không có kinh nghiệm thì với bạn sẽ càng phức tạp. Chính vì thế, đừng bao giờ ngừng trau dồi bản thân và cống hiến hết mình để dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng hướng. Hy vọng những chia sẻ từ Yuanta Việt Nam phần nào giúp bạn có thêm thông tin hữu ích về vấn đề này. Bạn hãy thực hành thường xuyên để tự rút ra bài học đáng quý cho bản thân nhé. Trên đây, bài viết được chia sẻ bởi công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam.