26/10/2023 - 11:09
Giá trị ròng hữu hình (Tangible Net Worth) là gì?
Để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của một doanh nghiệp, việc nắm vững các khái niệm tài chính cơ bản là không thể thiếu. Một trong những khái niệm quan trọng đó chính là giá trị ròng hữu hình (Tangible Net Worth) là gì? Hãy cùng Yuanta Việt Nam khám phá sâu hơn về chủ đề này cũng như tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp.
Giá trị ròng hữu hình (Tangible Net Worth) là gì?
Giá trị ròng hữu hình đo lường giá trị tài sản hiện vật của một tổ chức sau khi trừ đi các khoản nợ và các tài sản vô hình như thương hiệu, bằng sáng chế, bản quyền hay các tài sản trí tuệ. Tài sản hữu hình bao gồm tất cả các tài sản vật chất mà doanh nghiệp sở hữu như bất động sản, thiết bị, máy móc và phương tiện cố định.
Giá trị ròng hữu hình quan trọng vì nó thể hiện khả năng của doanh nghiệp trong việc trả nợ và quản lý tài sản. Đây cũng là một chỉ số quan trọng cho các nhà đầu tư và ngân hàng khi họ đánh giá khả năng tài chính của một tổ chức. Nếu giá trị ròng hữu hình giảm có thể xuất hiện rủi ro tài chính và khả năng hoạt động bình thường của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng.
Đặc điểm giá trị ròng hữu hình (Tangible Net Worth)
Đặc điểm chính của giá trị ròng hữu hình là tập trung vào tài sản hữu hình và loại bỏ tài sản vô hình. Do sử dụng các tài sản và số nợ cụ thể, giá trị ròng hữu hình thường dễ tính hơn so với tính tổng giá trị ròng. Nó giúp các bên liên quan dễ dàng đưa ra quyết định về khả năng tài chính của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó Tangible Net Worth còn là công cụ để đo lường khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Nó cho biết mức độ mà một doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ của mình bằng tài sản hữu hình đang sở hữu. Chỉ số này được sử dụng bởi các nhà đầu tư, ngân hàng và các bên liên quan khác trong việc đánh giá sức khỏe tài chính của công ty.
Ưu điểm và nhược điểm của giá trị ròng hữu hình (Tangible Net Worth)
Một trong những ưu điểm lớn của giá trị ròng hữu hình là khả năng cung cấp một cái nhìn chính xác và cụ thể về giá trị tài sản thực tế của một tổ chức hay doanh nghiệp. Điều này mang lại lợi ích lớn trong việc đánh giá tình hình tài chính thực tế của doanh nghiệp. Hơn nữa, nó giúp các nhà đầu tư và ngân hàng đưa ra quyết định vay vốn hoặc đầu tư dựa trên một cơ sở tài chính rõ ràng.
Tuy giá trị ròng hữu hình mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại một số nhược điểm. Một trong số đó là việc loại bỏ các tài sản vô hình. Một số công ty sở hữu tài sản vô hình với giá trị hàng tỷ đô la như Microsoft. Nhưng tài sản này không được tính khi thực hiện tính Tangible Net Worth. Do đó, nó có thể không đáp ứng đầy đủ các khía cạnh tài chính và sự phát triển của một doanh nghiệp.
Ngoài ra, giá trị ròng hữu hình tập trung vào tình hình tài chính hiện tại và không thể dự báo tương lai của một doanh nghiệp. Điều này có thể làm mất đi một phần quan trọng của bức tranh tổng thể về sự khả quan và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Nó cũng không phải là phương pháp khả quan đối với các doanh nghiệp thua lỗ liên tiếp 3 năm.
Công thức tính giá trị ròng hữu hình (Tangible Net Worth)
Để tính giá trị ròng hữu hình, bạn cần liệt kê và đánh giá giá trị tất cả tài sản vật chất mà doanh nghiệp sở hữu. Sau đó trừ đi tài sản vô hình, số nợ phải trả bao gồm nợ vay và các khoản nợ phải trả ngắn hạn khác. Kết quả thu được chính là giá trị ròng hữu hình. Công thức tính Tangible Net Worth như sau:
Giá trị ròng hữu hình = Tổng tài sản – tài sản vô hình – nợ phải trả
Giá trị ròng hữu hình (Tangible Net Worth) không chỉ là một con số trong bảng cân đối kế toán mà còn là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá tình hình tài chính. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng nó không phải là chỉ số duy nhất quyết định sự thành bại của một tổ chức. Việc kết hợp nó với các chỉ số khác như lãi suất sinh lời, biên lợi nhuận sẽ mang lại cái nhìn toàn diện hơn. Bài viết được chia sẻ bởi Yuanta Việt Nam.