23/05/2022 - 14:48
Phương pháp bình quân giá xuống – Khi nào nên sử dụng?
Để việc đầu tư chứng khoán mang lại lợi nhuận tối đa, có nhiều chiến thuật được áp dụng trong quá trình đầu tư. Bình quân giá xuống là một trong những kỹ năng cơ bản và không còn là một khái niệm mới lạ đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Nếu nhà đầu tư biết cách áp dụng đúng phương pháp bình quân giá xuống, lợi nhuận thu về sẽ là một kết quả đáng mong đợi.
Phương pháp bình quân giá xuống là gì?
Bình quân giá xuống hay còn gọi là trung bình giá xuống là một chiến thuật trong đó nhà đầu tư sẽ tăng thêm các lệnh mua khi giá cổ phiếu có biến động giảm. Khi áp dụng chiến thuật đầu tư này, các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào việc thu được nhiều lợi nhuận hơn khi giá cổ phiếu trên sàn tăng cao trở lại. Tuy nhiên, nếu không biết cách áp dụng đúng, chiến thuật này sẽ là con dao hai lưỡi cho nhà đầu tư.
Nguyên lý sinh lời của phương pháp quân giá xuống
Phương pháp bình quân giá xuống được kỳ vọng mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nguyên lý sinh lời của chiến thuật này được gói gọn bằng mô hình mua thấp – bán cao. Với cùng một số vốn, khi giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư sẽ mua được nhiều cổ phiếu hơn. Khi giá cổ phiếu tăng trở lại, nhà đầu tư sẽ thu được mức lợi nhuận cao từ phần chênh lệch giá mua vào – bán ra của cổ phiếu đó.
Ví dụ, nhà đầu tư dùng 1.000.000 đồng để mua 10 cổ phiếu của một công ty A với giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, cổ phiếu của công ty A giảm giá còn 70.000 đồng/cổ phiếu. Lúc này, cùng với số vốn 1.000.000 đồng, nhà đầu tư có thể mua được khoảng 14 cổ phiếu của công ty A. Như vậy, cùng một số vốn nhưng nhà đầu tư đã mua được nhiều cổ phiếu hơn bằng bình quân giá xuống.
Áp dụng phương pháp bình quân giá xuống như thế nào?
Phương pháp bình quân giá xuống là một chiến thuật thường thấy trên các sàn chứng khoán nhờ khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, chiến thuật này có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với nhà đầu tư nếu không được áp dụng một cách hợp lý. Để việc sử dụng phương pháp bình quân giá xuống đạt hiệu quả tối đa, nhà đầu tư cần lưu ý các yếu tố sau:
Hiểu rõ về loại chứng khoán đang đầu tư
Nhà đầu tư cần nghiên cứu và hiểu rõ về loại chứng khoán mà mình đang đầu tư. Các vấn đề cần tìm hiểu ở đây bao gồm khả năng sinh lời, khả năng tăng giá và tiềm năng phát triển của công ty phát hành cổ phiếu. Nhà đầu tư chỉ nên áp dụng phương pháp bình quân giá xuống khi nắm bắt được tiềm năng tăng trưởng của công ty cũng như cổ phiếu.
Khi đầu tư theo phương pháp bình quân giá xuống cho các công ty không đảm bảo được khả năng phát triển, nhà đầu tư có nguy cơ cao sẽ mất trắng. Cổ phiếu của các công ty có khả năng tăng trưởng thấp thường ít hoặc không có khả năng tái tăng giá. Điều này đi ngược lại với nguyên lý sinh lời của chiến thuật bình quân giá xuống, khiến khoản đầu tư này trở thành khoản đầu tư sinh lỗ.
Không đầu tư toàn bộ vốn vào một lần chứng khoán
Trên các sàn đầu tư, các nhà đầu tư thường được nghe về câu nói “Không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Bởi nếu giỏ trứng đó bị rơi thì tất cả số trứng sẽ bị hỏng và chủ nhân của chúng sẽ mất hết. Áp dụng với việc đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư không nên đổ toàn bộ số vốn của mình vào cùng một loại cổ phiếu trong cùng một lần mua.
Nhiều nhà đầu tư có tư tưởng đầu tư toàn bộ số vốn khi giá cổ phiếu có xu hướng giảm nhằm áp dụng bình quân giá xuống. Tuy nhiên, đây là một bước đi mạo hiểm, bởi nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu chạm đáy hoặc không thể khôi phục giá. Có không ít nhà đầu tư đã lâm vào tình trạng trắng tay do cách áp dụng bình quân giá xuống sai lầm này.
Không nên quá vội vã giữa các lần đầu tư
Chứng khoán là một loại hình đầu tư có tính biến thiên cao. Vì thế, nhà đầu tư không nên quá vội vã giữa các lần đầu tư khi giá cổ phiếu chưa thật sự giảm sâu. Để bình quân giá xuống đạt hiệu quả tốt nhất, nhà đầu tư nên chờ đợi cho cổ phiếu có sự giảm giá rõ rệt. Tỷ lệ chênh lệch giá càng cao thì khả năng sinh lời của phương pháp bình quân giá xuống càng được đẩy lên mức tối đa.
Ưu và nhược điểm của bình quân giá xuống
Mỗi chiến thuật đầu tư đều tồn tại những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Nhà đầu tư nên hiểu rõ ưu và nhược điểm tiềm ẩn của phương pháp bình quân giá xuống để có thể áp dụng đúng chiến thuật cho hoạt động đầu tư của mình.
Ưu điểm
Ưu điểm dễ thấy nhất của phương pháp bình quân giá xuống là khả năng sinh lời ổn định. Nếu nhà đầu tư áp dụng chiến thuật vào các công ty có khả năng tăng trưởng ổn, giá cổ phiếu có xu hướng về lại giá vốn và lên giá, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư bắt được đáy cổ phiếu, dù cổ phiếu không lên giá quá nhiều thì nhà đầu tư vẫn thu được một phần lợi nhuận nhất định.
Ưu điểm tiếp theo của phương pháp bình quân giá xuống là nhà đầu tư có thể hạn chế được các vấn đề tâm lý khi đầu tư. Các nhà đầu tư đa số có xu hướng mắc hội chứng FOMO – Fear Of Missing Out. Điều này khiến các nhà đầu tư phải liên tục theo dõi sàn chứng khoán để nắm bắt tình hình cổ phiếu. Bình quân giá xuống đảm bảo khả năng sinh lời, tạo tâm lý yên tâm và không cần theo dõi sàn liên tục.
Nhược điểm
Bên cạnh các ưu điểm như trên, phương pháp bình quân giá xuống cũng tồn tại một số nhược điểm tiềm ẩn. Khi áp dụng chiến thuật này, nhà đầu tư dễ hình thành thói quen ỷ lại vào khả năng sinh lời dễ dàng của bình quân giá xuống. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư mất đi khả năng phân tích sàn chứng khoán cũng như các tiềm năng phát triển của cổ phiếu.
Nhược điểm tiếp theo của phương pháp bình quân giá xuống là nhà đầu tư không thu được mức lợi nhuận lớn nhất. Khi áp dụng trung bình giá xuống, nhà đầu tư tập trung vào tính an toàn của chiến thuật này. Nhà đầu tư sẽ bỏ qua các tín hiệu giao dịch hiệu quả khác và không thu về được mức lợi nhuận tối đa. Bên cạnh đó, việc đặt lệnh mua nhiều cũng phát sinh các chi phí làm giảm thiểu lợi nhuận thu được.
Phương pháp bình quân giá xuống là một chiến thuật đầu tư chứng khoán mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên nghiên cứu và cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp này để không rơi vào tình trạng tiền mất tật mang. Trên đây, bài viết được chia sẻ bởi công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam.