25/11/2021 - 19:45
Trái phiếu Chính phủ là gì? Trái phiếu Chính phủ gồm những loại nào?
Trái phiếu chính phủ là một hình thức đầu tư được biết đến và sử dụng rộng rãi trên thị trường chứng khoán. Là một loại tài sản tài chính có tính an toàn cao và khá ổn định nhưng một số nhà đầu tư vẫn chưa hiểu rõ về loại trái phiếu này. Vậy Trái phiếu Chính phủ là gì và gồm những loại nào? Sau đây hãy cùng Yuanta Việt Nam theo dõi bài viết để biết thêm thông tin nhé!
Trái phiếu Chính phủ là gì?
Theo Quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP về khái niệm Trái phiếu chính phủ (TPCP) cụ thể như sau:
“Trái phiếu Chính phủ” là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.
Ngoài ra theo Khoản 10 điều 3 Luật công nợ 2017 quy định về loại trái phiếu này là:
“Trái phiếu Chính phủ là công cụ nợ do Chính phủ phát hành để huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc cơ cấu lại nợ”
Có thể hiểu trái phiếu chính phủ hay Government Bond là một loại chứng khoán nợ do chính phủ phát hành. Trái phiếu này thường được phát hành nhằm mục đích huy động nguồn vốn hay bù đắp các thâm hụt cho ngân sách nhà nước, huy động vốn tài trợ cho các dự án đầu tư thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước hay công cụ điều tiết tiền tệ.
Việc phát hành loại trái phiếu này là một hình thức để nhà nước có thể vay vốn hay còn được gọi là tín dụng nhà nước. Vì vậy trái phiếu là loại tài sản chứng khoán ghi nhận nghĩa vụ nợ của nhà nước đối với quyền lợi của người sở hữu trái phiếu. Ban đầu hình thức được chính phủ áp dụng phổ biến cho loại trái phiếu này là chứng chỉ, sau này xuất hiện thêm hình thức bút toán ghi sổ.
Phân loại Trái phiếu Chính phủ
Trái phiếu chính phủ được phân chia thành 3 loại chính đó là trái phiếu xanh, trái phiếu ngoại tệ và công trái xây dựng tổ quốc.
Trái phiếu xanh
Theo Điều 21 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định khái niệm trái phiếu xanh cụ thể là:
“Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước.”
Trong đó Bộ tài chính cùng với Bộ tài nguyên và môi trường, Bộ kế hoạch và đầu tư phối hợp để xây dựng đề án phát hành trái phiếu xanh và sau đó báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để được phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định một số điều khoản điều kiện về việc tổ chức phát hành, lưu ký, đăng ký, niêm yết và giao dịch loại trái phiếu này.
Trái phiếu ngoại tệ
Điều 22 Nghị định 95/2018/NĐ-CP như sau:
“Trái phiếu ngoại tệ là một loại trái phiếu Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thực hiện theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.”
Dựa vào các nhu cầu, mục đích huy động ngân sách của nhà nước mà các Bộ tài chính cùng chủ trì và phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Từ đó cùng nhau xây dựng nên đề án phát hành loại trái phiếu này bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi tại các thị trường trong nước. Sau đó, đề án sẽ được trình lên Thủ tướng chính phủ để xem xét và đưa ra quyết định. Dựa vào đề án trái phiếu ngoại tệ được Thủ tướng phê duyệt mà Bộ tài chính phát hành trái phiếu này theo phương thức riêng lẻ. Theo quy định của pháp luật ngoại hối và quy định của nghị định Nghị định 95/2018/NĐ-CP, trái phiếu tiền tệ được đăng ký hay lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam
Công trái xây dựng Tổ quốc
TPCP là một loại công cụ nợ của Chính phủ và cũng bao gồm công trái xây dựng tổ quốc. Theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 95/2018/NĐ-CP định nghĩa về Công trái xây dựng tổ quốc như sau:
“Công trái xây dựng Tổ quốc là một loại công cụ nợ của Chính phủ có điều kiện, điều khoản của trái phiếu Chính phủ quy định tại Điều 14 Nghị định này.”
Phương án phát hành công trái xây dựng Tổ quốc do Bộ tài chính xây dựng dựa vào các nhu cầu huy động vốn của ngân sách nhà nước. Sau đó, phương án này sẽ được trình cho Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội để đưa ra những xem xét, quyết định. Dựa vào phương án phát hành được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua mà Bộ tài chính tổ chức phát hành ra công trái xây dựng Tổ quốc.
Trái phiếu quốc tế
Theo Khoản 5 Điều 3 Nghị định 95/2018/NĐ-CP trái phiếu quốc tế được định nghĩa như sau:
““Trái phiếu quốc tế” là trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường vốn quốc tế theo quy định tại Nghị định này”
Bộ tài chính xây dựng đề án phát hành trái phiếu quốc tế dựa trên nhiều yếu tố bao gồm: Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm, dự toán ngân sách hàng năm, chương trình quản lý nợ công 03 năm, kế hoạch vay và trả nợ công hàng năm, tình hình thị trường tài chính quốc tế. Từ đó, trình lên Chính phủ và được Chính phủ xem phét phê duyệt chủ trương phát hành.
Các chủ thể tham gia vào thị trường Trái phiếu Chính phủ
Về chủ thể phát hành
Theo Điều 4 Nghị định 95/2018/NĐ-CP Chủ thể phát hành trái phiếu chính phủ bao gồm các đối tượng sau:
“Điều 4. Chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ của Chính phủ
- Chủ thể tổ chức phát hành công cụ nợ của Chính phủ là Bộ Tài chính.
- Đối với công cụ nợ của Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước, Bộ Tài chính tổ chức phát hành hoặc ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành và thực hiện các nghĩa vụ của chủ thể tổ chức phát hành theo quy định tại Nghị định này.”
Chủ thể mua
Các chủ thể mua trái phiếu chính phủ bao gồm các đối tượng như sau:
Các chủ thể đối tượng mua loại trái phiếu này thường là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, các tổ chức của Việt Nam không được mua trái phiếu bằng kinh phí được cấp bởi ngân sách nhà nước cấp.
Thị trường Trái phiếu Chính phủ
Trái phiếu chính phủ được xem là thị trường then chốt trên thị trường trái phiếu. Đây là nơi giúp Chính phủ huy động nguồn vốn để cải thiện và xây dựng hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó việc phát hành trái phiếu này còn giúp chính phủ bù đắp những thâm hụt trong ngân sách nhà nước. Đặc biệt, thị trường này cũng là nơi chính phủ có thể thực hiện các biện pháp để quản lý lượng tiền và hạn chế tình hình lạm phát xảy ra trên thị trường.
Các kế hoạch phát hành sẽ được Kho bạc Nhà nước công bố hàng năm và Bộ tài chính sẽ là đơn vị đại diện phát hành ra trái phiếu chính phủ. Sau khi đã hoàn tất quyết định, các thủ tục công bố kế hoạch và phát hành trái phiếu sẽ được kho bạc nhà nước thực hiện.
Thông thường, trái phiếu chính phủ được phát hành theo 3 phương thức phổ biến là bảo lãnh, đấu thầu, bán lẻ. Sau khi được phát hành, trái phiếu này sẽ được lưu ký, đăng ký và niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, sau đó phần lớn sẽ phát hành theo hình thức đấu thầu.
Các quy định về việc phát hành Trái phiếu Chính phủ
Việc phát hành trái phiếu chính phủ do chính phủ cụ thể là Bộ tài chính quyết định mệnh giá, mức phát hành, lãi suất và các quy định về thanh toán (gốc, lãi). Trước mỗi đợt phát hành trái phiếu này ra công chúng, Bộ Tài chính sẽ công bố một số thông tin và quy định cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo điều 14 Nghị định 95/2018/NĐ-CP có quy định cụ thể về điều khoản như sau:
“Điều 14. Điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ
1. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ:
a) Có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và 50 năm.
b) Các kỳ hạn khác của TPCP do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.
2. Mệnh giá phát hành: Có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.
3. Đồng tiền phát hành, thanh toán là đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành TPCP tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ, đồng tiền phát hành, thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
4. Hình thức TPCP
a) Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành.
b) Chủ thể tổ chức phát hành quyết định cụ thể về hình thức TPCP đối với mỗi đợt phát hành.
5. Lãi suất TPCP
a) Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước.
b) Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.
6. Phương thức thanh toán lãi, gốc TPCP
a) Tiền lãi được thanh toán theo định kỳ 06 tháng một lần, hoặc 12 tháng một lần, hoặc thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn cùng với thanh toán gốc. Chủ thể phát hành thông báo cụ thể phương thức thanh toán lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.
b) Tiền gốc được thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn theo thông báo của chủ thể phát hành đối với từng đợt phát hành.
7. Phương thức phát hành: TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu phát hành, bảo lãnh phát hành và phát hành riêng lẻ theo quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định này.”
Các phương thức giao dịch
Để có thể tham gia đầu tư TPCP các nhà đầu tư cần nắm rõ phương thức giao dịch của loại trái phiếu này. Cụ thể theo Điều 19 Nghị định 95/2018/NĐ-CP có quy định về giao dịch loại trái phiếu này như sau:
“Điều 19 Giao dịch trái phiếu Chính phủ
1. TPCP được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy chế giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
2. TPCP được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các loại hình sau:
a) Mua bán thông thường;
b) Mua bán lại và bán kết hợp mua lại;
c) Các loại hình giao dịch khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.
3. Giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
a) Kỳ hạn của giao dịch tối đa không quá 01 năm;
b) Bên mua và bên bán tự thỏa thuận và ký hợp đồng giao dịch bao gồm các nội dung cơ bản sau: khối lượng; lãi suất (hoặc giá trái phiếu); kỳ hạn; tài sản bảo đảm; tỷ lệ phòng ngừa rủi ro; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan- xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp các bên không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
5. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định tại Nghị định này và pháp luật chứng khoán.”
Ưu và nhược điểm của Trái phiếu Chính phủ
Trái phiếu chính phủ là loại tài khoản chứng khoán được đánh giá là khá an toàn, tuy nhiên vẫn có một số hạn chế nhất định. Vậy trước khi đầu tư, nhà đầu tư cần nắm rõ các ưu nhược điểm của loại trái phiếu này để hạn chế những rủi ro khi đầu tư.
Ưu điểm của Trái phiếu Chính phủ
Gần như không có rủi ro: Trong thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ, luôn được xem là một ví dụ điển hình về yếu tố bảo mật và tỷ lệ rủi ro rất nhấp. Bên cạnh đó trái phiếu này còn cung cấp cho nhà đầu tư một khoản thu nhập ổn định khi nhà đầu tư được hưởng trong thời gian nắm giữ.
Lợi nhuận từ kinh doanh chênh lệch giá: Trong trường hợp thị giá trái phiếu trên thị trường biến động, các nhà đầu tư có thể thu lợi nhuận từ việc mua thấp bán cao.
Được miễn khoản thuế thu nhập cá nhân: khoản lợi nhuận thu được từ Loại trái phiếu này không phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân.
Thanh khoản cao: Trong trường hợp nhà đầu tư không còn nhu cầu tiếp tục sở hữu trái phiếu này và muốn rút vốn, nhà đầu tư có thể thực hiện nghiệp vụ chuyển nhượng, cầm cố lại trái phiếu này thông qua các sàn giao dịch, sang tay hay bán lại cho các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Đa dạng hóa các danh mục đầu tư: bằng việc bổ sung các loại chứng khoán Chính phủ vào danh mục đầu tư, nhà đầu tư có thể đa dạng hóa kênh đầu tư và nguồn tiền để hạn chế rủi ro cho tài sản đầu tư của mình.
Nhược điểm
Khi sở hữu trái phiếu chính phủ nhà đầu tư sẽ nhận được mức lợi tức khá thấp. Trong khi bạn hoàn toàn có thể sử dụng vốn của mình đầu tư vào nhiều sản phẩm chứng khoán hay kênh đầu tư khác lợi nhuận hơn. Tuy nhiên nếu bạn mong muốn một nơi đầu tư an toàn và lâu dài để có thể tích trữ số tiền của mình, thì đây là loại tài sản chứng khoán phù hợp với bạn.
Để sở hữu trái phiếu này nhà đầu tư phải trải qua quy trình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng có kiến thức để hiểu và có điều kiện để mua loại trái phiếu này.
Mặc dù loại trái phiếu này có mức độ rủi ro khá thấp nhưng trường hợp vỡ nợ của nhà phát hành vẫn có khả năng xảy ra.
Qua bài viết trên Yuanta Việt Nam đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về khái niệm trái phiếu chính phủ và cách phân loại trái phiếu này. Từ đó có thể trau dồi và rút những kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân và có kế hoạch đầu tư tối ưu cho bản thân. Chúc bạn đầu tư thành công!