Phân biệt tài sản và tiêu sản - Có nên đầu tư cho tiêu sản hay không?
Flower
Trang chủTin tứcBlogKiến thức kinh tếPhân biệt tài sản và tiêu sản – Có nên đầu tư cho tiêu sản hay không?

14/11/2022 - 10:56

Phân biệt tài sản và tiêu sản – Có nên đầu tư cho tiêu sản hay không?

Tài sản và tiêu sản là hai khái niệm khá quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta thường rất dễ nhầm lẫn giữa tài sản và tiêu sản, sự hiểu lầm này sẽ ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, chi tiêu của mỗi người. Vậy để phân biệt tài sản và tiêu sản khác nhau ở điểm nào, cách chọn lọc tài sản, tiêu sản để chi tiêu hợp lý hơn, mời bạn cùng Yuanta Việt Nam đón đọc qua bài viết sau đây nhé!

Phân biệt tài sản và tiêu sản - Có nên đầu tư cho tiêu sản hay không?

Phân biệt tài sản và tiêu sản – Có nên đầu tư cho tiêu sản hay không?

Khái niệm về tài sản và tiêu sản

Tài sản là gì?

Khi bạn bỏ tiền ra mua quyền sở hữu một điều hoặc một thứ gì đó, mà trong tương lai chúng có khả năng tăng trưởng hay sinh lời, mang lại thu nhập cho bạn được gọi là tài sản. Với chi phí ban đầu bạn bỏ ra mua chúng sẽ có thể thấp hơn so với giá trị chúng mang lại cho bạn trong tương lai.

Tài sản là gì?

>>> Xem thêm: Kênh đầu tư tài chính an toàn và hiệu quả

Tài sản có 2 loại đó là động sản và bất động sản, được quy định theo Bộ luật dân sự năm 2015. Tài sản ở đây có thể là tài sản của người sở hữu hiện đang nắm giữ hoặc tài sản được hình thành trong tương lai. Chúng ta có thể dựa vào ví dụ sau đây để dễ hình dung hơn về tài sản.

  • Tài sản là nhà đất mua với giá trị ban đầu thấp, và trong tương lai sau 1 thời gian thị trường bất động sản tăng giá, bạn bán nhà đất đó để có lợi nhuận.
  • Tài sản là các loại hình như cổ phiếu, trái phiếu, được mua khi chúng có giá trị thấp. Khi thị trường chứng khoán tăng, giá của các cổ phiếu, trái phiếu tăng mang lại lợi nhuận cho người sở hữu chúng. Ngoài ra, khi sở hữu chứng khoán, bạn cũng có thể được các công ty phát hành cổ phiếu, trái phiếu chia lợi nhuận.
  • Bạn có 1 quán cà phê và sau một thời gian, quán cà phê của bạn có hoạt động kinh doanh hiệu quả và tạo ra nguồn doanh thu, lợi nhuận cho bạn. Quán cà phê này chính là tài sản mà bạn sở hữu.

Tiêu sản là gì?

Sau khi đã nắm được khái niệm về tài sản, thì tiêu sản không giống tài sản, bạn cần phải phân biệt rõ 2 khái niệm này.

Tiêu sản là gì?

Khi bạn bỏ tiền ra mua và sở hữu một thứ gì đó nhưng dần dần trong tương lai, thứ đó không tạo ra được thêm giá trị, không thể sinh lời cho bạn, ngược lại bạn còn phải bỏ thêm tiền ra để duy trì nó gọi là tiêu sản. Số tiền bạn bỏ ra có thể để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc chăm sóc cho thứ bạn sở hữu đó. Ngoài ra, giá trị của tiêu sản theo thời gian sẽ giảm dần và thấp hơn so với giá trị bạn bỏ tiền ra mua nó lúc đầu.

Sau đây là một vài ví dụ về tiêu sản:

  • Điện thoại di động là một trong những vật bất ly thân với chúng ta hiện nay, và nó cũng chính là tiêu sản bởi theo thời gian, giá trị của chiếc điện thoại sẽ giảm thấp hơn so với lúc mua ban đầu, cũng như sự hao hụt về pin.
  • Ngoài ra, xe hơi cũng được xem là tiêu sản, bởi khi sở hữu nó, bạn phải chi tiền ra cho một số khoản như xăng cộ, các loại phí cầu đường, đăng kiểm, sửa chữa vệ sinh xe,…
  • Túi xách, giày dép hàng hiệu, xe gắn máy, máy tính cá nhân cũng được xem là tiêu sản.
  • Các khoản vay tín dụng cũng là tiêu sản vì bạn phải bỏ tiền ra hàng tháng để chi trả lãi suất cho các khoản vay đó.

Phân biệt tài sản và tiêu sản:

Tài sản và tiêu sản đều là những thứ do chúng ta bỏ tiền ra để mua và sở hữu. Tuy nhiên, tài sản và tiêu sản mang lại những ý nghĩa khác nhau. Để chúng ta có những quyết định để quản lý tài chính, chi tiêu hợp lý, ta cần phải làm rõ và phân biệt được khi nào là tài sản và khi nào là tiêu sản.

Phân biệt tài sản và tiêu sản

Cùng là xe hơi, nhưng A là chiếc xe chỉ được sử dụng với mục đích đi lại hàng ngày, và bạn phải bỏ tiền ra để chăm sóc, duy trì nó và theo thời gian, giá cả của nó sẽ giảm xuống thấp hơn với giá mua lúc đầu bởi sẽ có nhiều hãng xe đời mới ra đời và công dụng phù hợp hơn với người tiêu dùng, thì chiếc xe A này chính là tiêu sản.

Ngược lại, B là một chiếc xe có giá trị về tinh thần nhiều hơn, bạn bỏ tiền ra mua nó về để sưu tập, để càng lâu thì giá trị chiếc xe càng tăng cao do độ khan hiếm và được nhiều người săn đón, bạn có thể bán nó với giá trị cao hơn so với lúc mua cũng như bù đắp được cho những chi phí mà bạn đã bỏ ra trong quá trình sử dụng nó, chiếc xe B này sẽ được xem là tài sản.

Vậy sự khác biệt để chúng ta có thể phân biệt tài sản và tiêu sản chính là giá trị mà thứ đó mang lại cho chủ sở hữu trong tương lai. Tiêu sản sẽ giảm dần giá trị trong tương lai và người sở hữu tiêu sản sẽ phải mất thêm những khoản tiền cho chúng. Tài sản lại mang lại giá trị cao hơn trong tương lai cho người sở hữu chúng, chúng thậm chí còn giúp chủ sở hữu có thêm thu nhập, có thêm lợi nhuận.

Vậy chúng ta có nên bỏ tiền ra mua tiêu sản hay không?

Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy những người khá giả sẽ sở hữu rất nhiều tài sản, có thể gọi là những khối tài sản khổng lồ, ngược lại với những người nghèo sẽ ít hoặc thậm chí không có tài sản nào trong tay. Tuy nhiên không phải vì vậy mà chúng ta có những hành vi quản lý tài chính sai lệch dẫn đến không hiệu quả trong việc chi tiêu. 

“Người giàu mua tài sản, người trung lưu mua tiêu sản mà họ nghĩ đó là tài sản, còn người nghèo chỉ toàn chi phí” – Một câu nói của Robert Kiyosaki đã viết trong cuốn “Cha giàu, cha nghèo” xuất bản năm 2000 đã nói ra ra quan điểm về các tầng lớp trong xã hội. Theo ông:

  • Người giàu thường mua những tài sản giúp họ có thể giàu hơn trong tương lai, những tài sản có khả năng tạo ra được giá trị cao hơn lúc ban đầu.
  • Với tầng lớp trung lưu, họ sẽ mua những tiêu sản chẳng hạn như nhà cửa, xe cộ… Đối với tầng lớp này, họ có khả năng mua được nhà và xe, nhưng suy cho cùng, nếu sử dụng với mục đích phục vụ bản thân thì chúng cũng chỉ là tiêu sản.
  • Đối với người nghèo, họ thường sẽ không có khả năng để mua và sở hữu nhiều tài sản lẫn tiêu sản, thậm chí có người cũng không đủ khả năng để có được tài sản hay tiêu sản nào cho mình. 

Người nghèo quần quật cả ngày cũng chỉ đủ tiền chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày. Tiền bạc của họ cứ dần bị tiêu tán và rất khó để có thể sở hữu tài sản lớn hay tiêu sản. Ngược lại, những người có tư duy tầm nhìn rộng, họ sẽ tích góp hợp lý và đầu tư vào các tài sản để có thể mang lại lợi nhuận trong tương lai.

Ý nghĩa của tiêu sản

Tuy rằng tiêu sản là thứ khiến bạn phải mất thêm tiền để duy trì, chăm sóc, sửa chữa chúng. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta xem tiêu sản là thứ không cần thiết. Tiêu sản cũng mang những ý nghĩa hữu ích trong đời sống chúng ta:

  • Tiêu sản là những thứ giúp cho mức sống của chúng ta được thỏa mãn hơn. Nó phục vụ chúng ta từ những nhu cầu trong cuộc sống, sinh hoạt hay giải trí, học tập, thậm chí chúng là cầu nối giúp các mối quan hệ của chúng ta trong cuộc sống tốt đẹp hơn.
  • Ngoài ra, bỏ tiền ra để mua tiêu sản còn giúp chúng ta cải thiện đời sống tinh thần và cũng là động lực để chúng ta phát triển kinh doanh hơn.
  • Việc chi tiền để mua tiêu sản thực sự cần thiết nếu chúng ta xác định được đúng nhu cầu của bản thân và xem xét kỹ lưỡng giá trị thực của chúng trước khi đầu tư.

Ý nghĩa của tiêu sản trong cuộc sống hằng ngày

Vậy làm sao để khiến tiêu sản trở nên có nghĩa hơn?

Khi sở hữu những món được xem là tiêu sản, bạn cần làm gì để có thể biến chúng thành tài sản?

  • Bạn có thể biến 1 chiếc túi xách, quần áo, giày dép hàng hiệu thành tài sản bằng cách cho thuê chúng để chúng tạo ra lợi nhuận cho bạn trong tương lai.
  • Bạn mua nhà đất nhưng còn dư phần mặt bằng, thay vì để trống thì bạn có thể chia sẻ không gian ấy và cho thuê lại để có thể có thêm 1 khoản thu nhập hàng tháng.
  • Mua sắm điện thoại, máy tính, xe cộ để phục vụ cho công việc, tận dụng những tính năng của chúng để tạo ra thu nhập thì cũng được xem đó là tài sản của bạn rồi đấy!

Biến tiêu sản thành tài sản giúp mang lại giá trị lợi nhuận trong tương lai

Vậy để việc quản lý tài chính của cá nhân sao cho hiệu quả và sử dụng tiền để chi tiêu sao cho hợp lý, chúng ta cần phải nắm rõ và phân biệt tài sản và tiêu sản khác nhau chỗ nào. Từ đó chúng ta có thể phân bổ tài chính và kiểm soát chi tiêu dễ dàng hơn cho những nhu cầu thiết yếu, hoặc chọn kênh đầu tư hợp lý. Qua bài viết này, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam hy vọng các bạn đã nắm rõ những kiến thức về tài sản và tiêu sản, nên đầu tư vào tiêu sản như thế nào là hợp lý và có thể quản lý được tài chính cá nhân của mình.