15/06/2022 - 14:03
Tìm hiểu điểm xoay Pivot là gì và cách ứng dụng trong chứng khoán
Pivot Point là một chỉ báo trong số các công cụ được nhiều nhà đầu tư sử dụng trong việc phân tích kỹ thuật trên thị trường tài chính chứng khoán hiện nay. Vậy để hiểu rõ được khái niệm điểm Pivot là gì, cũng như ý nghĩa, cách ứng dụng sao cho hiệu quả, Yuanta Việt Nam mời bạn cùng xem qua bài viết này để có thể đưa ra được những chiến lược đầu tư hợp lý, hiệu quả hơn nhé.
Pivot là gì?
Pivot Point hay điểm xoay Pivot, điểm Pivot được biết đến là 1 chỉ báo trong việc phân tích kỹ thuật. Chỉ báo này thường được nhiều nhà đầu tư sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định được xu hướng chung của thị trường đang tham gia tại những khung giờ khác nhau. Cụ thể:
- Pivot Point có thể được hiểu là mức giá trung bình của giá cao, giá thấp, và giá đóng cửa của những ngày giao dịch lúc trước.
- Nếu giá giao dịch nằm phía trên điểm xoay Pivot biểu hiện cho xu hướng giá tăng đang diễn ra.
- Nếu giá giao dịch nằm phía dưới điểm xoay Pivot biểu hiện cho xu hướng giá giảm.
Điểm xoay Pivot đã không còn xa lạ đối với nhiều nhà đầu tư và nó được xem là 1 trong những chỉ báo đem lại độ hiệu quả cao nhất. Điểm Pivot chính là tín hiệu đảo chiều của xu hướng giá nên nó được các nhà đầu tư sử dụng phổ biến và ưu tiên hơn cả. Nhờ dựa vào Pivot mà các nhà đầu tư có thể nắm bắt được nhiều cơ hội tốt hơn.
Tương tự với việc phân tích đường xu hướng Trendline, phân tích điểm xoay Pivot cũng thường được sử dụng kết hợp với sự tính toán những mức kháng cự cũng như hỗ trợ.
- Khi phân tích điểm Pivot, các mức kháng cự và hỗ trợ ban đầu sẽ được tính bằng cách lấy độ rộng của phạm vi giao dịch giữa điểm Pivot và giá cao hoặc giá thấp của ngày giao dịch hôm trước.
- Các mức kháng cự và hỗ trợ tiếp theo cũng được tính tương tự như trên, lấy độ rộng của phạm vi giao dịch giữa điểm Pivot và giá cao hoặc giá thấp của ngày giao dịch hôm trước đó.
Vậy chúng ta có thể thấy, các nhà đầu tư xác định tâm lý xu hướng thị trường từ tăng sang giảm hoặc từ giảm sang tăng bằng cách tính toán những điểm xoay Pivot.
Cấu tạo Pivot Point
Chúng ta thấy, điểm xoay Pivot có cấu tạo khá phức tạp (hình minh hoạ phía trên), tuy nhiên những bộ phận của điểm Pivot khá quen thuộc và cũng dễ nhận biết. Những bộ phận chính của 1 điểm xoay Pivot cấu tạo như sau:
- Điểm xoay Pivot – đường chính Pivot Point (đường chính PP) hoặc còn được gọi là điểm trục.
- 3 đường kháng cự lần lượt là R1, R2, R3 – điểm xoay kháng cự (Resistance), nằm phía trên đường chính Pivot Point.
- 3 đường hỗ trợ lần lượt là S1, S2, S3 – điểm xoay hỗ trợ (Support), nằm phía dưới đường chính Pivot Point.
Công thức tính điểm xoay Pivot là gì?
Dựa vào số liệu ở quá khứ mà các nhà đầu tư có thể dễ dàng tính điểm xoay Pivot. Cụ thể là dựa vào các mức giá cao, mức giá thấp, và mức giá đóng cửa.
Điểm xoay Pivot được tính theo công thức sau:
PP = [Mức giá cao (kỳ trước) + Mức giá thấp (kỳ trước) + Mức giá đóng cửa (kỳ trước) ] / 3
Từ điểm Pivot vừa được tính xong, chúng ta suy ra được các mức kháng cự và hỗ trợ như sau:
- 3 mức hỗ trợ: S là ký hiệu của Support – mức hỗ trợ
- S1 = ( Pivot Point * 2 ) – Mức giá cao (kỳ trước)
- S2 = Pivot Point – ( R1 – S1 )
- S3 = Pivot Point – ( R2 – S2 )
- 3 mức kháng cự: R là ký hiệu của Resistance – mức kháng cự
- R1 = ( Pivot Point * 2 ) – Mức giá thấp (kỳ trước)
- R2 = ( Pivot Point – S1 ) + R1
- R3 = Pivot Point – ( R2 – S2 )
Ứng dụng điểm xoay Pivot trong giao dịch
Các nhà đầu tư chứng khoán có thể xác định được các vùng kháng cự cũng như hỗ trợ tiềm năng một cách nhanh chóng dựa vào điểm xoay Pivot. Điểm xoay Pivot khá hữu ích đối với cổ phiếu. Vậy để sử dụng Pivot như thế nào, chúng ta hãy cùng đi tiếp các mục sau đây nhé.
Ứng dụng giao dịch khi thị trường đang có xu hướng đảo chiều tăng
Cụ thể ở trường hợp này, điểm xoay Pivot được sử dụng với tư cách là cột mốc kháng cự hoặc hỗ trợ khi thị trường đang có xu hướng đảo chiều tăng như sau:
- Vào lệnh mua khi thấy giá đang có xu hướng tăng tới mức hỗ trợ S1, S2; thực hiện đặt lệnh dừng mua nếu mức hỗ trợ xuống dưới ngưỡng S2, S3.
- Vào lệnh bán khi thấy giá đang có xu hướng quay đầu giảm ở ngưỡng kháng cự R1, R2; thực hiện đặt lệnh dừng bán nếu kháng cự ở mức trên ngưỡng R2, R3.
Giao dịch khi giá tăng đột biến khỏi ngưỡng kháng cự – Breakout
Các điểm xoay Pivot được sử dụng như 1 mốc kháng cự mà ở đó giá có thể tăng đột biến:
- Ở trường hợp giá cổ phiếu cao hơn mức giá tại điểm xoay Pivot, các nhà đầu tư có thể sử dụng tới chiến lược breakout nếu giá vượt qua ngưỡng kháng cự R1 trong phiên. Lúc này, các nhà đầu tư có thể thực hiện mua theo cách sau:
- Vào lệnh mua khi giá Breakout khỏi ngưỡng kháng cự R1.
- Đợi đến lúc giá trở về mức kháng cự R1, chúng ta có thể dịch chuyển xu hướng giá bằng cách kết hợp kèm với nhiều công cụ hỗ trợ phân tích kỹ thuật khác.
- Hãy đặt lệnh dừng mua tại điểm xoay Pivot tương tự như chiến lược giá đảo chiều, hoặc bạn hãy sử dụng cùng với ngưỡng hỗ trợ phân tích khác.
- Tuy nhiên, để tăng mức hiệu quả khi giao dịch thì nhà đầu tư cần sử dụng điểm xoay Pivot cùng với lúc giá Breakout khỏi ngưỡng R1 kết hợp với thanh khoản, hoặc Breakout khỏi R1 kết hợp với đường RSI hoặc mẫu hình giá.
Kết hợp MACD với điểm xoay Pivot
Chúng ta có thể thấy, công thức tính điểm xoay Pivot được tính bằng trung bình của 3 điểm giá bao gồm mức giá cao, mức giá thấp và mức giá đóng cửa. Từ đó, các vùng biểu hiện sức mạnh giá được tạo ra. Vì vậy, phương pháp kết hợp điểm xoay Pivot với chỉ báo MACD sẽ giúp cho các nhà đầu tư xác định được 2 mục tiêu như sau:
- Thứ 1 là điểm đảo chiều xu hướng giá.
- Thứ 2 là lực mua bán giữa hai phe.
Điều này có nghĩa là chúng ta đang tìm kiếm sự đồng nhất của điểm xoay Pivot với phân kỳ hoặc hội tụ của MACD, hoặc lúc giá bật lên chính là các vùng kháng cự hoặc hỗ trợ thì tại MACD sẽ cho chúng ta thấy được đường MACD đang cắt đường tín hiệu Signal-line.
Lưu ý khi áp dụng phương pháp điểm xoay Pivot là gì?
Đối với bất kỳ một phương pháp nào cũng tiềm ẩn những rủi ro khôn lường. Điểm xoay Pivot cũng không ngoại lệ. Mặc dù Pivot giúp chúng ta dễ dàng xác định được mức kháng cự cũng như hỗ trợ rất hiệu quả, nhưng chúng ta cũng cần phải lưu ý một số điểm sau đây:
- Để đạt được nhiều giao dịch thành công cũng như hiệu quả mang lại được cao hơn, chúng ta nên sử dụng điểm xoay Pivot kết hợp cùng nhiều chỉ báo khác để phân tích kỹ thuật được chính xác và có độ tin cậy cao hơn như MACD, RSI,…
- Thật ra, bản chất của 7 đường cấu tạo nên điểm xoay Pivot đóng vai trò tương tự các vùng kháng cự và hỗ trợ.
- Pivot Point được các nhà đầu tư lâu năm đánh giá mang lại mức độ hiệu quả cao hơn so với những chỉ báo kỹ thuật khác trong việc đánh giá xu hướng.
- Trái ngược với đường Trendline, các mức điểm xoay thường giống nhau ở tất cả khung giờ cùng trong 1 ngày vì nó chỉ có 1 công thức chung. Tuy nhiên điểm này sẽ thay đổi theo từng ngày.
Nói tóm lại, trên đây là những kiến thức cơ bản giúp cho các bạn hiểu rõ thêm về Pivot là gì, ý nghĩa, các phương pháp ứng dụng điểm xoay Pivot sao cho hiệu quả ở thị trường chứng khoán. Hy vọng qua bài viết được chia sẻ bởi công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ tích luỹ thêm được những kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn, đạt được nhiều giao dịch thành công hơn và đừng quên phải luôn phân tích, đánh giá cũng như kết hợp nhiều yếu tố để đưa ra được chiến lược đầu tư phù hợp nhất nhé.