Cổ phiếu quỹ là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Cổ phiếu quỹ là gì?
Flower
Trang chủNewsBlogKiến thức chứng khoánCổ phiếu quỹ là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Cổ phiếu quỹ là gì?

29/11/2021 - 17:01

Cổ phiếu quỹ là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Cổ phiếu quỹ là gì?

Cổ phiếu quỹ không còn là một khái niệm quá xa lại đối với các nhà đầu tư. Tùy vào tình hình hoạt động và nhu cầu của mỗi công ty mà có thể phát hành các loại cổ phiếu này. Vậy Cổ phiếu quỹ là gì? Những ưu điểm và nhược điểm của loại cổ phiếu này ra sao? Sau đây hãy cùng Yuanta Việt Nam tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Cổ phiếu quỹ là gì?

Cổ phiếu quỹ là gì?

Cổ phiếu quỹ hay Treasury Stock là loại cổ phiếu được công ty cổ phần đại chúng đã phát hành ra nhưng với lý do nhất định công ty bỏ tiền ra mua lại một số cổ phiếu của chính công ty mình. Số cổ phiếu này có thể được công ty lưu giữ một thời gian sau đó lại được bán ra. Tuy nhiên, cũng có một số nước, luật pháp quy định số cổ phiếu mà công ty đã mua lại không được bán ra mà phải hủy bỏ.

Việc công ty mua lại cổ phiếu của chính công ty mình phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Cổ phiếu quỹ không phải là cổ phiếu đang lưu hành, không có vốn đằng sau nó, vì vậy cổ đông sở hữu cổ phiếu này không được tham gia vào việc chia lợi tức cổ phần và không có quyền tham gia bỏ phiếu. Khi công ty mua cổ phiếu quỹ thì sẽ ghi âm vào vốn chủ sở hữu nên làm giảm vốn chủ sở hữu (lưu ý: vốn điều lệ không đổi)

Lý do doanh nghiệp nên mua Cổ phiếu quỹ?

Những lý do nhà đầu tư nên đầu tư vào “Treasury Stock”

  • Cung cấp cơ hội đầu tư nội bộ
  • Thay đổi cơ cấu vốn của công ty
  • Cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận trên cổ phần (EPS)
  • Giảm quyền sở hữu của một nhóm cổ đông nào đó
  • Giảm thiểu sự pha loãng cổ phiếu nhằm tránh nguy cơ doanh nghiệp bị thao túng quyền kiểm soát công ty

Trên bảng cân đối kế toán, khi một công ty mua lại cổ phiếu thì số cổ phiếu này ghi âm ở vốn chủ sở hữu ở mục cổ phiếu quỹ. Như vậy khi số cổ phiếu quỹ tăng lên thì làm giảm vốn chủ sở hữu nhưng không làm giảm vốn điều lệ.

Ưu điểm và nhược điểm của cổ phiếu quỹ

Cổ phiếu quỹ là loại cổ phiếu có rất nhiều ưu điểm tuy nhiên kèm theo đó cũng có một số nhược điểm nhất định. Cụ thể ưu và nhược điểm của loại cổ phiếu này như sau:

Một số ưu và nhược điểm nổi bật

Ưu điểm 

  • Khi cổ phiếu của một công ty đang trong tình trạng bị định giá thấp hơn thực thế, việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ sẽ tạo cơ hội để tăng giá, kích thích cổ phiếu. Bên cạnh đó, việc này còn giúp lấy lại niềm tin của các cổ đông của doanh nghiệp.
  • Trong trường hợp giá cổ phiếu của một doanh nghiệp đang giảm sâu thì cổ phiếu quỹ sẽ phần nào giúp doanh nghiệp khẳng định cho các nhà đầu tư cũng như các cổ đông rằng công ty vẫn đang hoạt động rất tốt.
  • Việc thu mua cổ phiếu của doanh nghiệp giúp tác động tới xu hướng biến động giá của thị trường, tăng giá cổ phiếu, giúp kích cầu hay giúp làm giảm tốc độ giảm giá của cổ phiếu. Thông qua đó, giúp thị trường giao dịch hấp dẫn và sôi động hơn. 
  • Được xem như một kênh đầu tư, doanh nghiệp có thể sử dụng hiệu quả nguồn tiền nhàn rỗi. 
  • Thay vì ESOP doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên. 
  • Giúp cải thiện các chỉ tiêu lợi nhuận trên cổ phần (chỉ số EPS) trên thị trường.

Nhược điểm 

Mặc dù có rất nhiều ưu điểm như đã nêu trên nhưng cổ phiếu quỹ cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định, cụ thể:

  • Thường dễ bị lạm dụng, gây ảnh hưởng tới an toàn tài chính của công ty. Từ đó, gây thiệt hại cho các cổ đông khác trong doanh nghiệp. 
  • Việc giao dịch một lượng cổ phiếu quỹ làm giảm nguồn tiền mặt cũng như giảm chi phí cho các hoạt động khác của công ty.
  • Một số trường hợp, việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ có thể khiến giá cổ phiếu trên thị trường không đổi hay thậm chí là tiếp tục giảm. 
  • Khi một công ty mua cổ phiếu quỹ có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khiến các họ cho rằng tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp đang bị giảm đi. Từ đó, làm giảm sút niềm tin của các nhà đầu tư cũng như cổ đông của doanh nghiệp. 

Vì vậy, khi mua cổ phiếu quỹ, các doanh nghiệp cần có một số lưu ý như sau: 

  • Cân nhắc kỹ lưỡng số lượng cổ phiếu cần mua. 
  • Tham khảo giá cổ phiếu trên thị trường, từ đó lựa chọn và quyết định về hình thức mua, là khớp lệnh hay thỏa thuận để đem lại lợi thế tối ưu cho doanh nghiệp mình.
  • Cân đối nguồn vốn của doanh nghiệp

Điều kiện Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình hay Cổ phiếu quỹ

Điều kiện để doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu của chính mình

Theo quy định tại Điều 36 Luật chứng khoán 2019 về điều kiện để một doanh nghiệp có thể mua lại được cổ phiếu của chính mình:

“Điều 36. Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình

  1. Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, phương án mua lại, trong đó nêu rõ số lượng, thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá mua lại;

b) Có đủ nguồn để mua lại cổ phiếu từ các nguồn sau đây: thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật;

c) Có công ty chứng khoán được chỉ định thực hiện giao dịch, trừ trường hợp công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam mua lại cổ phiếu của chính mình;

d) Đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật trong trường hợp công ty đại chúng thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

đ) Không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Việc mua lại cổ phiếu được miễn trừ điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

b) Mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty, mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu;

c) Công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.

3. Công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình trong các trường hợp sau đây:

a) Đang có nợ phải trả quá hạn căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán; trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phiếu quá 06 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính, việc xác định nợ quá hạn được căn cứ vào báo cáo tài chính 06 tháng gần nhất được kiểm toán hoặc soát xét; trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

b) Đang trong quá trình chào bán, phát hành cổ phiếu để huy động thêm vốn, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Đã thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày báo cáo kết quả mua lại hoặc vừa kết thúc đợt chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trừ trường hợp mua lại cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ sở hữu trong công ty hoặc mua lại cổ phiếu theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc mua lại cổ phiếu thông qua giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh, công ty không được mua lại cổ phiếu của các đối tượng sau đây:

a) Người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ theo quy định của Luật này;

b) Người sở hữu cổ phiếu có hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

c) Cổ đông lớn theo quy định của Luật này.

5. Công ty đại chúng thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu.

6. Trường hợp công ty mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tổng số lượng cổ phiếu của người lao động đã được công ty mua lại để giảm vốn điều lệ phải được báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên;

b) Công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định tại điểm a khoản này.

7. Công ty chứng khoán, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình được bán ra cổ phiếu ngay sau khi mua lại trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ;

b) Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu;

c) Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lô lẻ theo yêu cầu của cổ đông.

8. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc mua lại cổ phiếu của công ty đại chúng.”

Một số nguyên tắc để một doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu quỹ

Một số nguyên tắc do Pháp luật quy định

 

Theo Điều 8 Thông tư 120/2020/TT-BTC quy định các nguyên tắc khi một doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình hay còn gọi là cổ phiếu quỹ, cụ thể:

“Điều 8. Công ty đại chúng giao dịch cổ phiếu của chính mình

  1. Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình trên hệ thống giao dịch chứng khoán phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Công ty đại chúng phải thực hiện giao dịch mua lại cổ phiếu của chính mình theo đúng nội dung đã công bố thông tin theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Luật Chứng khoán.

b) Nguyên tắc xác định giá đặt mua lại cổ phiếu của chính mình của công ty đại chúng theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận được quy định như sau:

– Giá đặt mua ≤ Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu x 50% Biên độ dao động giá cổ phiếu).

– Khối lượng đặt mua: Trong mỗi ngày giao dịch, tổng khối lượng đặt mua tối thiểu là 3% và tối đa là 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (khối lượng đặt mua không bao gồm khối lượng hủy lệnh và quy định này được miễn trừ khi khối lượng mua còn lại ít hơn 3%).

Quy định này áp dụng cho tới khi công ty đại chúng hoàn tất giao dịch mua lại cổ phiếu của chính mình với khối lượng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

  1. Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình được bán ra cổ phiếu sau khi mua lại theo quy định tại khoản 7 Điều 36 Luật Chứng khoán. Việc bán ra cổ phiếu thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy chế giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hoặc ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
  2. Ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình trước ngày 01/01/2021 bán ra cổ phiếu đã mua lại theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận như sau:

– Giá đặt bán ≥ Giá tham chiếu – (Giá tham chiếu x 50% Biên độ dao động giá cổ phiếu).

– Khối lượng đặt bán: trong mỗi ngày giao dịch, tổng khối lượng đặt bán tối thiểu từ 3% và tối đa là 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (khối lượng đặt bán không bao gồm khối lượng hủy lệnh và quy định này được miễn trừ khi khối lượng bán còn lại ít hơn 3%).”

Thủ tục mua lại cổ phiếu của chính mình hay Cổ phiếu quỹ của công ty đại chúng

Thủ tục khi doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình

Theo Mục 4 Thông tư 118/2020/TT-BTC quy định về thủ tục mua lại cổ phiếu của chính mình của công ty đại chúng, cụ thể:

“Điều 9. Tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu

  1. Công ty đại chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Chứng khoán trước khi mua lại cổ phiếu của chính mình phải gửi tài liệu báo cáo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bao gồm:

a) Báo cáo về việc mua lại cổ phiếu theo Mẫu tại Phụ lục số 35 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu, phương án mua lại;

c) Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua phương án triển khai mua lại cổ phiếu;

d) Văn bản xác nhận việc chỉ định thực hiện giao dịch của công ty chứng khoán, trừ trường hợp công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình;

đ) Báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán theo quy định;

e) Tài liệu chứng minh công ty có đủ nguồn để mua lại cổ phiếu. Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ sử dụng nguồn thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác để mua lại cổ phiếu, nguồn vốn thực hiện được căn cứ trên báo cáo tài chính của công ty mẹ. Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để mua lại cổ phiếu, nguồn vốn thực hiện không được vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán. Trường hợp lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dùng để mua lại cổ phiếu thấp hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất và cao hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính của công ty mẹ, công ty phải bổ sung quyết định của cấp có thẩm quyền của công ty con thông qua việc phân phối lợi nhuận, sao kê có xác nhận của ngân hàng chứng minh việc đã điều chuyển lợi nhuận từ công ty con về công ty mẹ;

g) Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện để được mua lại cổ phiếu theo quy định của pháp luật trong trường hợp công ty đại chúng thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”

Trường hợp doanh nghiệp thay đổi việc mua lại cổ phiếu

Doanh nghiệp thay đổi việc mua lại cổ phiếu quỹ

Trừ các trường hợp đặc biệt được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh và một số trường hợp khác,… thì công ty đại chúng không được phép thay đổi phương án hay ý định mua lại cổ phiếu như đã báo cáo và công bố thông tin ra công chúng.

Công ty đại chúng phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định thay đổi phương án mua lại cổ phiếu, đồng thời thực hiện công bố thông tin trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trang thông tin điện tử của công ty, Sở giao dịch chứng khoán về quyết định thay đổi theo mẫu.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thay đổi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nếu có ý kiến sẽ phản hồi để thay đổi phương án mua lại cổ phiếu.

Công ty đại chúng phải công bố thông tin trên phương tiện công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay trang thông tin điện tử của công ty trong khoản thời hạn là 24 giờ kể từ khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thay đổi phương án mua lại cổ phiếu, về việc thay đổi phương án mua lại cổ phiếu theo mẫu.

Sau khi đã công bố thông tin theo quy định của pháp luật, Công ty đại chúng sẽ được quyền thực hiện thay đổi việc mua lại cổ phiếu.

Một số lưu ý khi đầu tư Cổ phiếu quỹ

Lưu ý dành cho nhà đầu tư

Một nhà đầu tư cần phải am hiểu về thị trường cùng với các loại cổ phiếu, đồng thời am hiểu về các quy tắc thực hiện trong giao dịch chứng khoán. Trong đó, để giao dịch cổ phiếu quỹ các nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Khi giao dịch cổ phiếu quỹ doanh nghiệp cần cân nhắc đến lợi ích và quyền của tất cả các cổ đông. Từ đó hạn chế được việc mất cân bằng lợi ích như người phải mua với giá quá cao người khác lại mua với giá quá rẻ.
  • Khi có sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông cổ phiếu quỹ có thể hoàn toàn được hủy bỏ nhằm mục đích làm giảm vốn điều lệ.
  • Cổ phiếu quỹ có thể được phát hành bất cứ lúc nào vì nó cũng được xem tương tự như một loại cổ phiếu chưa được phát hành. 
  • Một doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm một lượng vốn nhất định. Do đó, chủ công ty cần phải đưa ra những phương án dự phòng cần thiết và có tính toán kỹ càng về sự sụt giảm này. Từ đó, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.

 

Qua bài viết trên có thể dễ dàng thấy việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ là một cách đầu tư có hiệu quả. Tuy nhiên nhà đầu tư cần phải có những kiến thức về cách vận hành và các quy định về loại cổ phiếu này. Hy vọng qua bài viết này Yuanta Việt Nam đã giúp bạn hiểu hơn về Cổ phiếu quỹ là gì và Ưu điểm và nhược điểm của loại cổ phiếu này. Chúc bạn đầu tư thành công.