Chỉ số P/E là gì? Cách định giá cổ phiếu theo P/E | Yuanta Việt Nam
Flower
Trang chủNewsBlogKiến thức chứng khoánChỉ số P/E là gì? Cách định giá cổ phiếu theo P/E

22/06/2022 - 13:25

Chỉ số P/E là gì? Cách định giá cổ phiếu theo P/E

Các yếu tố tác động và công thức tính, cũng như phương pháp định giá cổ phiếu dựa vào chỉ số P/E là gì? Trong các phương pháp định giá cổ phiếu, chỉ số P/E được đánh giá là một trong những công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư xác định được giá trị thực của cổ phiếu của doanh nghiệp, từ đó lựa chọn được cổ phiếu phù hợp.

Chỉ số P/E là gì? Cách định giá cổ phiếu theo P/E

Chỉ số P/E là gì? Cách định giá cổ phiếu theo P/E

Chỉ số P/E là gì?

P/E (Price to Earning Ratio) là chỉ số giá trên thu nhập. Cụ thể P/E là chỉ số giữa giá một cổ phiếu (Price) so với thu nhập trên một cổ phiếu đó (được gọi là Earning, hay chính là EPS – Earning per share). 

Cụ thể, P/E gồm:

  • P (Price): giá thực tế của cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường
  • E (Earning per share): lợi nhuận/ thu nhập nhà đầu tư nhận được trên mỗi cổ phiếu.

Như vậy, P/E là chỉ số so sánh giữa giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường (tức là số tiền nhà đầu tư phải bỏ ra để sở hữu một cổ phiếu) so với số tiền lãi thực tế thu được từ cổ phiếu đó. P/E là một chỉ số được sử dụng để định giá giá trị thực của cổ phiếu, đồng thời P/E giúp nhà đầu tư xác định tỷ lệ hòa vốn. 

Chỉ số P/E là gì?

Ý nghĩa của chỉ số P/E

Trong đầu tư chứng khoán, P/E được coi là một chỉ số tài chính vô cùng quan trọng, có vai trò giúp các nhà đầu tư xác định, đánh giá được tiềm năng của một cổ phiếu cũng như định giá – xác định được giá trị thực của một cổ phiếu. Từ đó, nhà đầu tư có thể so sánh giữa giá trị thực của cổ phiếu so với giá hiện hành trên thị trường chứng khoán:

  • Nếu cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn giá trị thực (giá thị trường của cổ phiếu  < giá trị thực của cổ phiếu) thì nhà đầu tư nên tiến hành mua vào cổ phiếu và chờ giá tăng.
  • Ngược lại, nếu cổ phiếu đang bị định giá cao hơn giá trị thực (giá thị trường của cổ phiếu > giá trị thực của cổ phiếu) thì nhà đầu tư không nên lựa chọn cổ phiếu đó để đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu đó thì nên chọn bán cổ phiếu trước khi giá cổ phiếu giảm xuống quá thấp.

P/E cũng có ý nghĩa trong việc đo lường giữa mức giá thị trường của cổ phiếu so với thu nhập của nó. Tức là dựa trên mức thu nhập mà cổ phiếu đem lại thì nhà đầu tư sẽ sẵn sàng trả mức giá là bao nhiêu cho một cổ phiếu.

Ví dụ: Công ty A đang có chỉ số P/E là 28.9, tức là nhà đầu tư chấp nhận mức giá cổ phiếu là 28.9$/ cổ để thu về mức lợi nhuận là 1$/ cổ.

Cũng có trường hợp cổ phiếu bị định giá thấp hơn so với giá trị thực của nó, dẫn tới P giảm làm P/E giảm xuống mức thấp. 

Ý nghĩa của chỉ số P/E

Công thức tính chỉ số P/E

Sau khi đã hiểu bản chất chỉ số P/E là gì, tiếp theo nhà đầu tư cần nắm rõ công thức tính chỉ số này:

P/E = Price/ Earning per share (EPS)

hay:

P/E = Thị giá cổ phiếu/ Thu nhập trên một cổ

Trong đó:

  • P: là giá thực tế/ giá thị trường của 1 cổ phiếu của công ty
  • EPS: được tính bằng công thức sau: 

EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức từ cổ phiếu ưu đãi)/ Số cổ phiếu phổ thông

Ví dụ: 

Cổ phiếu của công ty A đang được giao dịch trên thị trường với mức giá là 100$/ cổ phiếu. Công ty có lợi nhuận sau thuế là 200.000$ (giả sử tất cả lợi nhuận này được dùng để chia cổ tức cho cổ đông). Số cổ phiếu ưu đãi của công ty là 1000 cổ, số cổ phiếu phổ thông là 15.000 cổ. Biết mỗi cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi nhận được thu nhập 10$/ cổ phiếu. 

Hãy xác định chỉ số P/E của công ty A?

Ta có: P/E = P/ EPS, trong đó: 

P = 100$

EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức từ cổ phiếu ưu đãi)/ Số cổ phiếu phổ thông

        = (200.000$ – 1000*10$)/ 15.000$ = 12.6$

Vậy: P/E = 100$/ 12,6$ = 7,89

Nhận xét: Nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu với mức giá 100$/ cổ để nhận được thu nhập 12.6$/ cổ. Và hệ số P/E của công ty A  là 7,89.

Công thức tính chỉ số P/E

P/E có thể được sử dụng để chọn cổ phiếu như thế nào?

Thông qua chỉ số P/E, nhà đầu tư có lựa đưa ra quyết định lựa chọn các mã cổ phiếu phù hợp nhất dựa trên việc định giá cổ phiếu. Có nhiều phương pháp định giá cổ phiếu nhưng P/E được đánh giá là một công cụ mang lại kết quả chính xác cao và được nhiều nhà phân tích tài chính khuyên dùng.

Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E

Định giá cổ phiếu là việc xác định giá trị thực của cổ phiếu. Lưu ý: cần phân biệt giữa giá cổ phiếu và giá trị cổ phiếu. Giá cổ phiếu là mức giá thực tế công khai mà cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường. Nhưng giá trị cổ phiếu thì khác; nó chỉ có thể được xác định được thông qua các phương pháp định giá cổ phiếu. 

Công thức: P thực = EPS * (P/E) ngành

Trong đó: 

  • P thực: giá trị thực của cổ phiếu
  • EPS: Thu nhập trên mỗi cổ phiếu 

(EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức trả cho cổ phiếu ưu đãi)/  Số lượng cổ phiếu thường). 

EPS thường được công bố trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoặc trên các tạp chí tài chính.

  • (P/E) ngành: (chỉ số giá cổ phiếu/ thu nhập trên một cổ) bình quân toàn ngành. 

P/E ngành thường được công bố trên các tạp chí tài chính. Khi định giá cổ phiếu của một doanh nghiệp, cần sử dụng P/E của ngành mà doanh nghiệp đó đang hoạt động bởi mỗi ngành nghề/ lĩnh vực kinh doanh lại có chỉ số P/E khác nhau.

Việc định giá cổ phiếu giúp nhà đầu tư xác định được giá trị thực (giá hợp lý) của cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu thông qua định giá có thể cao hơn, thấp hơn hoặc bằng với giá cổ phiếu hiện hành. Từ đó, giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định mua/ bán cổ phiếu chính xác nhất.

Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E

Ví dụ về định giá cổ phiếu với chỉ số P/E

Cổ phiếu của công ty A hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử có chỉ số P/E = 38,5. Giá cổ phiếu của công ty A được giao dịch trên thị trường là 200$/ cổ. Biết chỉ số P/E trung bình của ngành thương mại điện tử là P/E = 21. 

Hãy định giá cổ phiếu của công ty A?

Giải:

P thực = EPS * P/E ngành 

trong đó: 

  • EPS = P giao dịch/ (P/E của công ty A) = 200$/ 38,5 = 5,2$
  • P/E ngành = 21

=> P thực = 5,2$ * 21 = 109,2$

Nhận xét: Sau khi định lại giá, ta thấy giá cổ phiếu của công ty A trên thị trường đang cao hơn giá trị thực của nó, mức chênh lệch là: 200$ – 109,2$ = 90,8$/ cổ phiếu.

Có những cổ phiếu có chỉ số P/E rất cao (cao hơn mức trung bình ngành) bởi những cổ phiếu này được giao dịch trên thị trường với mức giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của nó. Thông thường, hiện tượng này xảy ra đối với cổ phiếu của các tập đoàn lớn trên thế giới như: Apple, Amazon, Google, Facebook,… 

Có thể lý giải bởi các tập đoàn này có sự phát triển và tăng trưởng cao kỷ lục, lợi nhuận thu về trên mỗi cổ phiếu là rất lớn. Điều này khiến các nhà đầu tư có tâm lý sẵn sàng trả mức giá rất cao để sở hữu cổ phiếu của các công ty này với mong muốn về khoản thu nhập khổng lồ từ cổ tức.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp thao túng giá cổ phiếu hoặc đầu cơ cổ phiếu khiến giá cổ phiếu bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của nó.

Các yếu tố tác động đến chỉ số P/E là gì?

Nếu bạn đang băn khoăn các yếu tố tác động đến chỉ số P/E là gì thì đáp án là sự biến động của chỉ số P/E phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: giá cổ phiếu, thu nhập trên mỗi cổ phiếu, diễn biến nền kinh tế, chính sách cổ tức, tiềm năng phát triển của công ty, nợ của công ty, vị thế và thị phần của công ty trong ngành,…

Các yếu tố tác động đến chỉ số P/E là gì?

Giá cổ phiếu và thu nhập trên mỗi cổ

Từ công thức P/E = Giá cổ phiếu/ Thu nhập trên mỗi cổ, ta thấy giá cổ phiếu có tỷ lệ thuận với chỉ số P/E còn thu nhập trên mỗi cổ có tỷ lệ nghịch với chỉ số P/E. 

Cụ thể: Khi giá cổ phiếu tăng => P/E tăng; Khi giá cổ phiếu giảm => P/E giảm.

Khi thu nhập trên mỗi cổ tăng => P/E giảm; Khi thu nhập trên mỗi cổ giảm => P/E giảm.

Diễn biến nền kinh tế

Trong các điều kiện kinh tế phát triển tích cực, thu nhập của doanh nghiệp tăng, thị trường tài chính mở rộng quy mô có thể làm chỉ số P/E tăng do các nhà đầu tư có kỳ vọng vào sự gia tăng thu nhập từ cổ phiếu nên chấp nhận mua cổ phiếu với mức giá cao hơn giá trị thực của nó.

Ngược lại, khi nền kinh tế gặp khủng hoảng hoặc lạm phát và lãi suất tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao làm giảm mức chi tiêu cho tiêu dùng dẫn tới doanh số của doanh nghiệp giảm, các nhà đầu tư mất niềm tin và giảm nhu cầu mua cổ phiếu, từ đó làm giảm chỉ số P/E của một số công ty và một số ngành.

Chính sách cổ tức

Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn mua cổ phiếu với kỳ vọng thu được cổ tức thường xuyên thì công ty nào có chính sách trả cổ tức linh hoạt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức giá cổ phiếu cao hơn để sở hữu cổ phiếu của công ty.

>>> Xem thêm: Cổ tức là gì?

Tiềm năng phát triển của công ty trong tương lai

Đối với các công ty có quy mô lớn, vị thế cao và tiềm năng phát triển lớn trên thị trường, các nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu với giá cao hơn => P/E của công ty cao hơn trung bình ngành và nhà đầu tư kỳ vọng mức thu nhập EPS trên mỗi cổ phiếu sẽ cao hơn.

Khi nhà đầu tư có kỳ vọng vào sự tăng trưởng của một cổ phiếu nào đó trong tương lai, họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn giá trị thực của cổ phiếu để sở hữu cổ phiếu đó (giá cổ phiếu cao hơn giá trị thực của cổ phiếu). Khi đó, chỉ số P/E của một cổ phiếu sẽ ở mức cao.

Nợ của công ty

Trong nhiều trường hợp, khi doanh nghiệp gia tăng tài trợ vốn từ vay nợ, các nhà đầu tư sẽ lo ngại về các khoản chi phí trả lãi vay sẽ làm giảm thu nhập sau thuế của doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn tới EPS giảm, không thu hút được các nhà đầu tư mua cổ phiếu của công ty, khiến giá cổ phiếu giảm => Chỉ số P/E của cổ phiếu của công ty có thể giảm.

Ưu, nhược điểm của việc định giá cổ phiếu bằng chỉ số P/E

P/E có vai trò quan trọng và là một công cụ không thể thiếu đối với các nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định lựa chọn cổ phiếu. Nhưng liệu đây có phải là một công cụ hoàn hảo? Các ưu, nhược điểm của việc định giá cổ phiếu bằng chỉ số P/E là gì?

Ưu, nhược điểm của việc định giá cổ phiếu bằng chỉ số P/E

>>> Xem thêm: Giá trị nội tại và những thông tin liên quan

Ưu điểm của phương pháp định giá cổ phiếu bằng chỉ số P/E là gì?

  • Đây là một phương pháp đơn giản, dễ dàng mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể tự thực hiện.
  • Thông tin và số liệu đầy đủ, đa dạng, dễ tiếp cận: Các thông tin về giá cổ phiếu (P) đều được niêm yết trên thị trường; thông tin về thu nhập trên mỗi cổ (EPS) cũng có thể được tìm thấy dễ dàng trong báo cáo tài chính của công ty hoặc trên các chuyên trang tài chính. 

Nhược điểm của phương pháp định giá cổ phiếu bằng chỉ số P/E là gì?

  • P/E không phản ánh toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, do đó cần kết hợp phân tích P/E với các chỉ số tài chính khác của doanh nghiệp.
  • Trong trường hợp xảy ra việc đầu cơ cổ phiếu dẫn tới giá thị trường (P) của cổ phiếu tăng hoặc trường hợp khủng hoảng kinh tế khiến giá cổ phiếu (P) giảm thì dẫn tới việc tính toán P/E sẽ đưa ra các kết quả sai lệch, khiến nhà đầu tư đưa ra các quyết định sai lầm;
  • Doanh nghiệp có thể có những gian lận trong báo cáo tài chính, đẩy EPS tăng cao, khiến nhà đầu tư kỳ vọng mức thu nhập cao trên mỗi cổ tức và sẵn sàng trả mức giá (P) cao hơn giá trị thực của cổ phiếu => P/E tăng cao nhưng không phản đúng bản chất.

Mối liên hệ giữa P/E với các chỉ số khác

Trước khi đưa ra quyết định lựa chọn mã cổ phiếu nào, nhà đầu tư ngoài việc xác định chỉ số P/E của cổ phiếu còn cần phải quan tâm tới các chỉ số khác như: EPS và P/B.

Mối liên hệ giữa P/E và các chỉ số khác

P/E và EPS

Mối quan hệ giữa P/E và EPS là mối quan hệ có tỷ lệ nghịch. Cụ thể khi EPS tăng thì P/E giảm, khi EPS giảm thì P/E tăng. EPS giúp nhà đầu tư so sánh lợi nhuận kiếm được từ việc đầu tư cổ phiếu so với các khoản đầu tư khác. 

Bằng cách so sánh EPS với lãi suất nhận được từ các khoản đầu tư khác, nhà đầu tư có thể  đưa ra quyết định lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả.

P/E và P/B

P/E so sánh giữa giá cổ phiếu của doanh nghiệp được giao dịch trên thị trường so với giá trị thực của nó. Ngược lại, P/B (Price to Book ratio) giúp nhà đầu tư so sánh giữa giá cổ phiếu của doanh nghiệp được giao dịch trên thị trường so với giá ghi sổ của cổ phiếu đó. Tức là giá cổ phiếu của công ty đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá ghi sổ của nó. 

Kết luận

Tóm lại, trong đầu tư chứng khoán, P/E được coi là một chỉ số tài chính vô cùng quan trọng. Thông qua những chia sẻ ở trên, hi vọng các nhà đầu tư đã nắm rõ chỉ số P/E là gì, đồng thời biết cách định giá và đánh giá tiềm năng của cổ phiếu để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn. Trên đây, bài viết được chia sẻ bởi công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam.